Biên phòng - Vừa qua, người dân cùng chính quyền địa phương đã phát hiện bãi cọc gần 1.000 năm tuổi bên sông Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Các nhà khoa học đánh giá việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ là sự kiện cực kỳ quan trọng, mở ra những nghiên cứu mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Theo báo cáo sơ bộ của Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội, ngày 1-10, trong quá trình đào vườn, ông Nguyễn Tuân Triệu (ở thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) phát hiện 2 cọc gỗ, bề mặt màu nâu đen, hình trụ, dài 3-4m, đường kính khoảng 30cm, một đầu vót nhọn, nhẵn bóng. Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên đã báo cơ quan chức năng.
Sở Văn hóa -Thể thao thành phố Hải Phòng phối hợp với Bảo tàng thành phố Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên tiếp nhận mẫu cọc gỗ từ người dân để giám định. Tiếp đó, Viện Khảo cổ học thành lập đoàn khảo sát khu vực này và phát hiện tiếp 9 cọc gỗ khác... Kết quả giám định cho thấy, các cọc gỗ có niên đại từ năm 1270 đến năm 1430 sau Công nguyên. Từ kết quả khảo sát kết hợp với tài liệu lịch sử văn hóa dân gian, cơ quan chức năng xác định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ có liên quan tới trận chiến nhà Trần đánh quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Sau khi tiếp nhận báo cáo của cơ quan chức năng cùng các căn cứ khảo sát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định cho khai quật khảo cổ khu vực cánh đồng Cao Quỳ-nơi phát hiện các cọc gỗ thời xưa.
Qua gần 1.000 năm, phù sa bồi đắp, dòng chảy thay đổi, đặc biệt tác động của con người nên lòng sông bị thu hẹp và bãi cọc xưa giờ thành một phần cánh đồng trù phú. Qua việc khai quật, cơ quan chuyên môn đã tìm thấy tổng cộng 27 cọc gỗ. Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Bãi cọc gỗ được xác định là lòng sông bị bồi lấp từ rất nhiều năm trước. Các cọc đóng sâu trong bùn đen lẫn cát.Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy, có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, mở ra những nghiên cứu mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Những nghiên cứu về bãi cọc tìm thấy trước đó ở Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho thấy, ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà thực hiện ở các lạch triều. Việc này là để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền chiến của chúng. Còn việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ cho thấy, trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Ông Giang nhận định, rất có thể, đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc từng tìm thấy ở Quảng Yên.
Qua nắm bắt tình hình địa thế di tích tìm thấy cọc gỗ cổ, ông Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng cho biết: “Đây có thể là bãi cọc mà quân dân nhà Trần lập lên để chặn không cho quân Nguyên Mông đi vào sông Giá. Qua đó, ép đại quân Nguyên Mông đang rút từ Phả Lại đi vào sông Bạch Đằng và rơi vào bãi cọc chính mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí”.
Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, việc phát lộ bãi cọc này là kỳ diệu. Qua những tư liệu văn hóa dân gian, những tín ngưỡng văn hóa thờ cúng về trận địa, khoa học nghệ thuật quân sự ở cuộc chiến lần thứ 3 chống quân Nguyên Mông, lần đầu tiên chúng ta biết, bên bờ phải của nguồn Đá Bạc đổ về Bạch Đằng có một trận địa cọc thế này. Điều này có thể làm đảo lộn nhiều suy nghĩ về diễn biến của chiến cuộc Bạch Đằng Giang tháng 4-1288. Từ đây, chúng ta vỡ ra một sự thật, buộc phải gọi chiến thắng đại võ công Bạch Đằng Giang không phải là một trận đánh mà là một chiến dịch.
Theo tài liệu lịch sử, mảnh đất Liên Khê xưa thuộc tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Nơi đây còn lưu truyền nhiều câu chuyện, huyền tích lịch sử về những chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Trúc Động làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống đạo quân thủy binh của đế quốc Nguyên Mông.
Xác định việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, ngày 21-12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ thuộc quần thể di tích Bạch Đằng Giang, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Các nhà khoa học đề nghị, cần khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc; tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực.
Hồng Hà