Biên phòng - Rừng ở Tây Nguyên nói chung, khu vực biên giới 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nói riêng đang dần cạn kiệt, bởi nạn chặt phá tràn lan diễn ra từ nhiều năm qua. Một câu hỏi được đặt ra là tất cả diện tích rừng trên khu vực biên giới đều đã có chủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cũng rất quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng tại sao rừng ở đây vẫn bị xâm hại? Trong loạt bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến vai trò, trách nhiệm và năng lực của các chủ rừng.
Với trữ lượng gỗ khá lớn, trong đó có những nhóm gỗ quý hiếm, Vườn quốc gia Yok Đôn (kể cả vùng đệm) luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Nguy cơ đó càng gia tăng khi trong khu vực vẫn còn hiện diện những cánh rừng gần như là vô chủ. Rừng sẽ còn bị phá, nếu chủ rừng thiếu năng lực trong quản lý, bảo vệ hoặc “ôm vào” để nhằm mục đích trục lợi...

Nằm trên địa bàn 3 huyện Ea Súp, Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) và Cư Jut (Đắk Nông), Vườn quốc gia Yok Đôn có tổng diện tích hơn 115.540ha. Tuy nhiên, nếu tính cả vùng đệm thì khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam này “ôm gọn” cả tuyến biên giới của tỉnh Đắk Lắk và một phần tỉnh Đắk Nông. Ở đây chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp, rất đa dạng sinh học với 63 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 464 loài thực vật, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ và nhiều loại cây gỗ quý như trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, sao lá tím... rất có giá trị cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen.
Với “tầm vóc” như thế nên Vườn quốc gia Yok Đôn luôn được đặt trong sự quản lý, bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Chủ rừng là Ban quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều trạm Kiểm lâm làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Bên cạnh đó còn có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn trong công tác này. Mặc dù vậy, Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn thi thoảng bị “lâm tặc” (đối tượng khai thác gỗ và săn bắn thú rừng) xâu xé và luôn phải đối diện với mối nguy cơ bị xâm hại ở mức báo động. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng tựu trung lại vẫn là nguồn lợi siêu lớn từ việc khai thác gỗ trái phép tại đây.
Trong các nguy cơ đe dọa Vườn quốc gia Yok Đôn, có một nguy cơ đến từ vùng giáp ranh (vùng đệm) bao quanh 3 hướng Đông - Nam - Bắc của Vườn quốc gia, hướng còn lại là vùng giáp đường biên giới quốc gia với Campuchia.
Nói là vùng đệm, nhưng diện tích của nó còn lớn hơn cả Vườn quốc gia Yok Đôn (133.890ha) và trữ lượng gỗ ở đây vẫn còn tương đối lớn. Hiện tại, toàn bộ diện tích đất rừng của vùng đệm đều đã có chủ.
Tuy nhiên, chủ rừng lại rất đa dạng thành phần, gồm đơn vị thuộc Nhà nước, địa phương, tư nhân, thậm chí có những chủ rừng hoàn toàn không liên quan đến rừng cũng được nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ.
Chưa nói hiệu quả của việc quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực vùng đệm đến đâu, nhưng hằng năm Nhà nước vẫn phải chi trả một khoản tiền công không hề nhỏ.
Theo điều tra của chúng tôi, hiện tại, trên khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Yok Đôn, cùng với gần 7.000ha rừng phòng hộ vành đai biên giới do BĐBP 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông quản lý và số diện tích rừng do UBND các xã làm chủ, còn có khoảng hơn 30 doanh nghiệp thuê đất rừng để làm các dự án như cải tạo, thu gom, bảo vệ, phát triển rừng kết hợp chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, xây dựng công trình điện, thủy lợi...
Bình quân mỗi chủ rừng ở đây “sở hữu” hàng nghìn héc-ta đất rừng, nhưng có không ít doanh nghiệp đã hơn 10 năm chưa thấy đầu tư bất kỳ dự án nào; có chăng chỉ vài doanh nghiệp có vài chục héc-ta chuối, keo, điều, xoài, mít và đàn gia súc vài chục con. Hiệu quả kinh tế thấp, nhưng tại sao các doanh nghiệp lại đi thuê đất rừng để... làm kinh tế?...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn các doanh nghiệp đưa ra mục tiêu thuê đất rừng để làm các dịch vụ về rừng, nhưng thực chất là để “đón đầu” chủ trương chuyển đổi rừng nghèo để trồng cao su những năm trước đây.
Thực chất đây là kiểu “xí phần”, bởi làm như thế vừa được khai thác tận dụng gỗ, lại vừa có đất làm kinh tế mà đôi khi được khai thác tận dụng mới là mục đích chính. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng việc đóng cửa rừng hoàn toàn thì mọi tính toán của doanh nghiệp ở đây đều trở nên vô nghĩa. Hệ quả là, không ít chủ rừng dùng tiền công khoanh nuôi bảo vệ rừng để trả tiền thuê đất rừng, còn mục tiêu chính của dự án lập ra trước đây thì hoàn toàn “đóng cửa”.
Việc các doanh nghiệp thuê đất rừng trong khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, trong đó có cả vi phạm lâm luật và tranh chấp đất đai.
Thượng tá Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Trinh sát BĐBP Đắk Lắk thông tin cho chúng tôi biết: Năm 2017, tình trạng tranh chấp đất đai, mua bán sang nhượng đất trên khu vực biên giới của tỉnh diễn ra khá phức tạp. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ tập trung điều tra, đánh giá thực trạng đất rừng để tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh có hướng giải quyết hợp lý nhất.
Theo kết quả điều tra của BĐBP tỉnh thì hầu hết các doanh nghiệp thuê đất ở đây đều hoạt động cầm chừng, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí có doanh nghiệp không có khả năng thực hiện dự án đã sang nhượng 100% cổ phần cho cổ đông khác. Nhiều doanh nghiệp hiện tại nằm trong tình trạng “vườn không, nhà trống” không có người quản lý, bảo vệ.
Từ kết quả điều tra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk 5 vấn đề cần giải quyết, trong đó đáng chú ý là thành lập Ban Chỉ đạo (thành phần gồm các sở, ban, ngành có liên quan) để xử lý đất dự án đã bị thu hồi giấy phép, hoạt động không đúng mục đích trên địa bàn huyện Ea Súp; tập trung chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Ea Súp chấn chỉnh lại công tác thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng ở 2 xã Ea Bung và Cư M’lan...
Thượng tá Lê Tiến Dũng khẳng định: “Những kiến nghị đề xuất của BĐBP tỉnh đã nhận được sự đồng thuận rất cao của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk. Ngay sau đó UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có chỉ thị cho các ngành và chính quyền địa phương các cấp thực hiện theo đề xuất của BĐBP tỉnh”.
Đối với các dự án đã thu hồi giấy phép, nhanh chóng kê biên tài sản của công ty, bàn giao cho địa phương quản lý, tránh tình trạng đất vô chủ. Ban Chỉ đạo chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, kiểm kê lại rừng được giao khoanh nuôi bảo vệ, đánh giá hiệu quả của dự án. Nếu phát hiện công ty cố tình làm sai lệch dự án đã đề ra trước đó thì thu hồi dự án. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, hoặc có dấu hiệu lừa đảo trục lợi...
Chưa biết hồi kết của công cuộc bảo vệ rừng ở đây sẽ đi đến đâu, nhưng cho đến bây giờ, tấm bản đồ về các khu vực lâm phần của các chủ rừng bên Vườn quốc gia Yok Đôn loang lổ chả khác gì “tấm da báo” khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây càng trở nên cực kỳ phức tạp, tạo thêm gánh nặng và áp lực rất lớn đối với lực lượng Kiểm lâm và các đồn Biên phòng quản lý địa bàn.
Bài 2: Khi áp lực biến thành quyết tâm
Thái Kim Nga