Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 11:16 GMT+7

Bắc Xa giàu có nhờ phủ xanh đất rừng

Biên phòng - Ký ức của tôi về xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn là những con đường đất gập ghềnh, ổ trâu, ổ gà nối tiếp nhau, xóc đến nảy người. Sau gần 20 năm quay trở lại, vùng biên giới này “thay da đổi thịt” hoàn toàn với những tỷ phú người Tày, Nùng, Sán Chỉ...

Những ngôi nhà khang trang “mọc” lên ngày càng nhiều ở Bắc Xa. Ảnh: An Nhiên

Tôi theo con đường tuần tra biên giới đổ bê tông phẳng lỳ đi qua các xã biên giới của huyện Lộc Bình tới xã Bắc Xa. Hai bên đường là những rừng thông ngút ngàn, nhiều cây đã cho khai thác nhựa. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những chiếc nhà bạt, người dân dựng ở tạm ngay giữa rừng thông để tiện cho việc thu hoạch nhựa.

Giàu có nhờ thông

Trên đường tới Bắc Xa, tôi được nghe chuyện về những ngôi làng tỷ phú, người dân biên giới sắm ô tô, cầm vài tỷ đồng ra thành phố mua nhà cho con ở. Quả không sai. Chúng tôi tới bản Quầy khi trời đã ngả về chiều và không khỏi choáng ngợp trước những ngôi nhà cao tầng, to, đẹp như ở phố thị. Sự hiện diện của kiểu nhà biệt thự, khang trang, hiện đại giữa núi rừng xanh ngắt phần nào cho thấy độ giàu có, trù phú của những chủ nhân vùng đất này.

Bản Quầy là 1 trong 5 bản giáp biên của xã Bắc Xa, có 18 hộ thì 17 hộ xây nhà lớn trị giá hàng tỷ đồng, 1 hộ mua nhà ngoài thị trấn. Trong ngôi nhà to đẹp nhất nhì của bản Quầy, ông Hoàng Văn Sáu phấn khởi cho biết: “Tất cả các hộ dân trong bản đều trồng thông. Mỗi nhà trồng từ 40-60ha. Tôi trồng hơn 40ha. Chỉ tính riêng năm 2022, tôi bán nhựa thông thu được hơn 200 triệu đồng. Ngôi nhà này tôi xây dựng năm 2017 hết 1,4 tỷ đồng. Năm ngoái tôi mua thêm chiếc xe ô tô 700 triệu đồng. Tất cả đều từ thông mà ra”.

Ngoài thông, gia đình ông Sáu còn trồng khoảng 2ha hồi và trồng cả sa nhân. “Đây đều là những loại cây dễ trồng, không mất nhiều vốn đầu tư, không cần chăm sóc nhiều, cho giá trị kinh tế cao” - ông Sáu cho biết thêm.

Quay trở lại chuyện trồng thông, ông Sáu kể: “Ban đầu, gia đình tôi chỉ trồng vài trăm gốc. Sau đó, mỗi năm trồng thêm một ít, hết quả đồi này tới quả đồi khác, diện tích thông của gia đình theo đó mở rộng ra mỗi năm. Cây thông này chỉ mất công chăm sóc năm đầu, chủ yếu là phát cỏ, khoảng 10-15 năm sau sẽ cho khai thác nhựa. Mỗi cây thông cho chích nhựa khoảng 15 năm mới phải chặt bỏ, trồng thay thế cây mới. Không chỉ cho nhựa, gỗ thông cũng được giá. Nhà tôi từng bán hơn 2.000 cây thông già cỗi, thu được 500 triệu đồng”.

“Dù giá nhựa thông có lên, xuống, có lúc ở mức thấp kỷ lục như hiện tại khoảng 19.000 đồng/kg thì cây thông vẫn là nguồn thu ổn định của người dân chúng tôi. Ngày xưa, chúng tôi trồng ngô, lúa chỉ đủ ăn 3 tháng. Tôi còn nhớ, cứ vào thời gian giáp hạt, khoảng tháng 4, tháng 5, chúng tôi đều phải đi đào củ mài ăn. Cây thông đến đây đã đuổi đói nghèo đi, nhà nào cũng sung túc hơn xưa rất nhiều” - ông Sáu khẳng định.

Là một trong những hộ đầu tiên trồng thông ở Bắc Xa, ông Kỳ Dùng Phú, bản Mạ là người cảm nhận rõ hơn hết hiệu quả kinh tế mà loài cây này mang lại. Ông nói chắc nịch: “Cuộc sống của chúng tôi thay đổi rất nhiều. Nhờ có cây thông, đời sống của chúng tôi ấm no, hạnh phúc hơn trước đây cả trăm lần”.

Ông Phú nhớ lại: “Khi chưa có cây thông, chúng tôi chỉ trồng ngô và lúa, không đủ ăn, không có tiền tiêu. Năm nào Nhà nước cũng phải hỗ trợ gạo cứu đói. Đến khoảng năm 1990, khi BĐBP Lạng Sơn triển khai dự án trồng rừng 661 đưa cây thông đến với nơi đây, cuộc sống của chúng tôi mới khấm khá lên. Với cây thông mã vĩ, chúng tôi chỉ cần phát cỏ, chăm sóc chúng cao đến cổ là được. Trồng cây này không bao giờ lo lỗ. Trước đây, nhựa thông được giá, có lúc lên tới 40.000 đến 50.000 đồng/kg, bà con phấn khởi, xúng xính lắm. Năm nay, giá thông xuống thấp, người dân có buồn đôi chút, nhưng với chúng tôi, cây thông vẫn là cây mang lại sự ấm no, sung túc”.

Cũng theo ông Phú, người dân ở Bắc Xa giàu lên, có của ăn, của để không chỉ nhờ nhựa thông, mà còn từ khai thác gỗ. “Có gia đình chỉ tính riêng tiền bán gỗ thông đã được 1 tỷ đồng” - ông Phú kể.

Cả xã còn 15 hộ nghèo

Bén rễ ở vùng biên Bắc Xa từ những năm 90 của thế kỷ XX, cây thông đã từng bước khẳng định là cây xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân ở khu vực biên giới xa xôi nhất của tỉnh Lạng Sơn khấm khá, giàu có.

Ông Tô Đức Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bắc Xa cho hay: “Toàn xã có 356 hộ, thuộc các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Sán Chỉ... Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi - rừng. Hiện, cả xã có 11.000ha trồng thông trên diện tích 15.000ha đất tự nhiên. Trung bình, mỗi hộ dân trồng khoảng 20-30ha, một số hộ trồng nhiều lên tới 60ha. Cây thông chăm sóc tốt khoảng 12 năm sẽ khai thác nhựa được. Thời gian khai thác khoảng 10-20 năm. Trong nhiều năm qua, thông là cây mang lại thu nhập chính cho chúng tôi”.

Ông Kỳ Dùng Phú chia sẻ về công việc khai thác nhựa thông của gia đình với cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Xa. Ảnh: Bích Nguyên

Trong tổng số diện tích trồng cây thông của xã Bắc Xa, có khoảng 8.000ha đã cho khai thác nhựa. “Sản lượng nhựa thông bình quân mỗi năm của xã khoảng 1.100 tấn” - ông Nông Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết thêm.

Cùng với thông mã vĩ, xã Bắc Xa còn trồng hồi với sản lượng mỗi năm khoảng 500-600 tấn quả tươi và một phần diện tích trồng sa nhân. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của người dân vẫn là từ cây thông. Ông Vinh khẳng định: “Bắc Xa giàu lên nhờ trồng thông. Thu nhập bình quân đầu người của chúng tôi hiện đạt 43 triệu đồng/người/năm. Đến nay, số hộ nghèo trong xã giảm xuống còn 15 hộ, tương ứng 4,8%. Chúng tôi cũng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ năm 2019”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, lãnh đạo xã Bắc Xa cũng như người dân đều mong muốn giá nhựa thông ổn định hơn. Trong vài năm gần đây, giá nhựa thông lên, xuống thất thường, vào những năm 2017-2019, nhựa thông được giá, khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Từ năm 2021 đến nay, giá nhựa thông giảm dần và hiện ở mức 19.000-20.000 đồng/kg.

Theo lý giải của người dân Bắc Xa, nguyên nhân là đầu ra của nhựa thông phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Tại Lạng Sơn, hiện chưa có cơ sở thu gom, chế biến liên hoàn, nhựa thông của người dân chủ yếu xuất sang Trung Quốc dưới dạng thô nên giá thấp.

Ông Vinh cho biết, người dân trong xã mong muốn có xưởng chế biến nhựa thông, tạo điều kiện cho bà con được tham gia vào liên kết chuỗi sản xuất, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của cây thông. Nếu được như vậy, thu nhập của người dân sẽ được nâng cao hơn nữa, cuộc sống của bà con sẽ ngày càng khấm khá hơn nữa.

An Nhiên

Bình luận

ZALO