Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:50 GMT+7

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021):

Bác Hồ trong những ngày chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước

Biên phòng - Khi học trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba (1906-1908) và sau đó là trường Quốc học Huế (1908-1909), Chủ tịch Hồ Chí Minh rất muốn bác bỏ sự tuyên truyền dối trá về “Tự do - bình đẳng - bác ái” của chế độ thực dân Pháp. Trong bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” của nhà văn Liên Xô Osip Mandelstam đăng trên Tạp chí Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) số 39, ra ngày 23-12-1923, Bác đã kể lại rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”(1).

Tượng đài Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong khuôn viên Trường trung học phổ thông Quốc học- Huế. Ảnh: Internet

Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đỗ Cử nhân. Năm 1901, cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Tài nghị luận của cụ Nguyễn Sinh Sắc thể hiện trong văn quyển rất xuất sắc, nhưng do cụ có ý phê phán triều đình thiếu chăm lo cho dân nên nhà vua chỉ cho cụ đậu học vị Phó bảng. Với lý do bị bệnh và để tang vợ, cụ từ chối làm quan và ở nhà dạy học để có cơ hội giao lưu với các sĩ phu yêu nước.

Tuy nhiên, năm 1906, để cho các con có thể tiếp cận nền tân học, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đồng ý đến Kinh đô Huế nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ. Theo cha vào Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh học ở trường Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc học. Năm 1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị tòa khâm sứ Trung Kỳ khiển trách do con trai là Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã nói trước mặt thầy giáo những lời chống lại nước Pháp. Triều đình Huế sau đó đã điều cụ đến huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định) làm Tri huyện. Khi làm Tri huyện Bình Khê, cụ xử hòa tất cả những vụ kiện nông dân với nhau, cụ nói: “Nước mất không lo, lo giành nhau cái bờ ruộng”. Với các tù chính trị, cụ đều cho thả tự do.

Tháng 5-1909, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Bình Định thăm cha. Khi thấy con trai đến, cụ Nguyễn Sinh Sắc hỏi: “Con đến đây làm gì?”. Người đáp: “Con đến đây tìm cha”. Nghe vậy, cụ Nguyễn Sinh Sắc nói với con: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Nghe lời cha, trong thời gian ở Bình Định, Người đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) để chuẩn bị sang Pháp tìm đường cứu nước.

Khoảng tháng 8-1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bình Định vào Bình Thuận. Người cầm thư giới thiệu của cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc đến gặp cụ Trương Gia Mô ở Duồng (nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Được sự gửi gắm của bạn, lại thấy Người có chí hướng, nên cụ Trương Gia Mô viết thư giới thiệu Người với ông Hồ Tá Bang - một trong các sĩ phu sáng lập viên của Liên Thành Thương Quán và trường Dục Thanh. Sau đó, Người được nhận vào làm thầy giáo ở trường Dục Thanh để dạy chữ Quốc ngữ, Hán văn kiêm môn thể dục. Tại ngôi trường này, Người đã hun đúc tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

Tháng 2-1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sài Gòn, thành phố lớn nhất và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Nam Kỳ - vùng đất trực trị của thực dân Pháp. Tại nơi đây, được sự giúp đỡ của Liên Thành Thương Quán, Người ở căn nhà số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn (nay là số 5, đường Châu Văn Liêm thuộc phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó, Người đi làm ở một trường thợ máy, bán báo ở thương cảng để kiếm sống, tìm hiểu đời sống của người dân và tình hình đấu tranh của các tầng lớp lao động Nam Kỳ.

Quãng thời gian ở Sài Gòn giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra việc đi tìm đường cứu nước không thể chậm trễ. Người nhận ra chế độ thực dân Pháp tại Nam Kỳ tàn bạo đến mức chúng không nương tay với cả người phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhớ lại nỗi bi thảm này, trong Chương 11 “Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ” của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), Người viết: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga...”(2) .

Không chỉ muốn tới nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn muốn đi đến nước Anh, Mỹ và nhiều nước khác. Tuy nhiên, để tìm kiếm con đường cứu nước thì cần phải hiểu rõ nước Pháp mạnh, yếu như thế nào. Tại Sài Gòn, Người đã bàn với một người bạn về chuyện tìm đường cứu nước. Đích đến của Người chính là nước Pháp. Theo cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của tác giả Trần Dân Tiên, lúc đó, Người đã nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(3).

Ngày 5-6-1911, với tên mới là Văn Ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên tàu L'Admiral Latouche Trévill (một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách của hãng Chargeurs Réunis, Pháp) với vai trò phụ bếp, rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Nguyễn Văn Toàn

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.477
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 105
  3. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13-14

Bình luận

ZALO