Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Bác Hồ trong lòng nhân dân Lào anh em

Biên phòng - Không chỉ người dân Việt Nam, những người dân nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào mà chúng tôi từng gặp đều dành tình cảm quý trọng đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách bày tỏ tình cảm của họ đôi khi đơn giản nhưng thể hiện thông điệp rõ ràng và rất sâu sắc.

Người dân bản A Bưn treo ảnh Bác Hồ cùng với các lãnh tụ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Ảnh: Hằng Thu

Đặt Bác nơi trang trọng nhất

Ngôi nhà đầu tiên tôi ghé vào thăm trong lần đầu tiên đặt chân tới bản A Bưn, cụm 6, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào là nhà anh Cơ Lâu Nhâm. Gia đình anh Nhâm gồm có 4 người, sống trong ngôi nhà sàn bằng gỗ rộng rãi, thoáng mát. Đứng trên hiên nhà anh có thể nhìn bao quát tất cả các ngôi nhà khác trong bản. Khung cảnh ở đây cũng giống như những làng bản của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam sống dọc biên giới Việt - Lào. Những mái nhà sàn nhìn chung về một hướng được che chở, bao bọc bởi núi non Trường Sơn xanh ngắt. Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động là lá cờ đỏ sao vàng và hình ảnh Bác Hồ xuất hiện trang trọng ở nơi biên giới hẻo lánh, xa xôi này.

Trong ngôi nhà của mình, chỗ trang trọng nhất, anh Nhâm treo quốc kỳ Việt Nam, bên cạnh là ảnh lãnh tụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam. Anh Nhâm không giải thích nhiều về điều này mà chỉ nói rằng, trước đây, trong những ngày chiến tranh gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ đất nước Lào rất nhiều. Quan hệ đoàn kết, hữu nghị mà Bác Hồ và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng tiếp tục được các thế hệ nhân dân hai nước Việt Nam và Lào vun vén, xây đắp: “Trong nhiều năm nay, BĐBP và nhân dân Việt Nam thường xuyên giúp đỡ chúng tôi lương thực, thực phẩm, thuốc men mỗi khi chúng tôi gặp khó khăn. Chúng tôi luôn quý trọng đất nước và con người Việt Nam”.

Không chỉ gia đình anh Nhâm, những hộ dân khác ở A Bưn đều treo ảnh Bác Hồ bên cạnh các lãnh tụ Kaysone Phomvihane, Souphanouvong... Có thể, thế hệ người dân Lào ở vùng giáp biên hiện nay không biết quá rõ thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng điều chắc chắn là họ kính yêu và tôn thờ Bác như Trưởng bản A Bưn Cơ Lâu Nhâm chia sẻ: “Chúng tôi treo ảnh Bác Hồ trong nhà xuất phát từ sự kính trọng đối với Người. Đó cũng là sự tri ân của chúng tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân các bộ tộc Lào trong những lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Không chỉ bản A Bưn, người dân ở nhiều cụm bản khác của người Lào ở vùng giáp biên giới Việt Nam - Lào như Ka Lô, Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông; Loọng Cắng, Mường Dương và Phà Đéng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn... cũng treo ảnh Bác Hồ cùng với lãnh tụ của nước Lào trong nhà.

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào

Theo dòng chảy của lịch sử, nhiều sự kiện đã trôi dần vào quá khứ, nhưng tình cảm sâu đậm mà người dân Lào dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn, còn mãi với thời gian. Người đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Trên đất nước Triệu Voi đã hình thành các khu tưởng niệm Bác Hồ do người dân góp của, góp sức.

Một trong số đó là Khuôn viên tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm thị xã Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, miền Trung nước Lào. Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng vượt dòng Mekong sang tỉnh Savannakhet để tuyên truyền cách mạng. Với ý nghĩa tưởng nhớ Người, năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Người, Bảo tàng Kaysone Phomvihane đã xây dựng công trình này. Khuôn viên tưởng niệm rộng 1.000m2, trong đó có bày trí phiến đá khắc chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, đèn chiếu sáng và ghế đá đã trở thành điểm đến của người dân Lào và cả những cư dân Việt Nam.

Trong hành trình thăm đất nước Triệu Voi, chúng tôi đã rất may mắn được tới Khu lưu niệm Bác Hồ tại làng Xiềng Vang, huyện Nong Bok, tỉnh Khăm Muộn, cách Thủ đô Viêng Chăn gần 400km. Theo lời giới thiệu của nữ cán bộ trông coi ở đây, khu lưu niệm được xây dựng năm 2010 và khánh thành vào tháng 12-2012 nhân kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào”. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng gần 2.000m2 do 13 gia đình kiều bào Việt Nam sinh sống tại làng Xiềng Vang hiến tặng. Đây là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên tại Lào.

Khu lưu niệm Bác Hồ tại Xiềng Vang. Ảnh: Bích Nguyên

Trong khuôn viên khu lưu niệm có nhà trưng bày, nhà đón khách, nhà tưởng niệm và dâng hương. Tòa nhà trưng bày lưu giữ nhiều hình ảnh và hiện vật giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ cũng như tình cảm của Người đối với cách mạng và nhân dân Lào. Theo lời kể của nhân viên khu lưu niệm, khoảng cuối năm 1928, Bác Hồ cải trang là thợ mộc lấy tên gọi là Thầu Chín từ Thái Lan tới Xiềng Vang để trực tiếp tìm hiểu thực tế tình hình đời sống nhân dân Lào. Trong thời gian ở đây, Người đã gặp gỡ bà con người Lào và người Việt sinh sống ở đây. Bác đã phổ biến kinh nghiệm cho bà con về việc tổ chức các đoàn thể yêu nước và đoàn thể cách mạng tại Lào; gây dựng cơ sở cách mạng trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với người dân cả hai nước Việt - Lào, Khu lưu niệm Bác Hồ tại Xiềng Vang là nơi để lưu giữ, tuyên truyền, giáo dục truyền thống về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong đã đặt nền móng như lời thơ của Bác Hồ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO