Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 05:24 GMT+7

Quốc tế/ Biên giới, biển, đảo các nước

Bắc Cực - “Điểm nóng” của cuộc chiến giành chủ quyền

Biên phòng - Bắc Cực đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu trên toàn cầu và là nguồn tài nguyên dành cho tương lai. Song, Bắc Cực còn là khu vực giàu nguồn hải sản và khoáng sản. Vì vậy, các nước lận cận, như Nga, Đan Mạch, Canada, Na Uy và Mỹ đều có tham vọng mở rộng lãnh thổ bao trùm lên khu vực này.

z1ky_27b
Quân đội Canada (trái) và Đan Mạch lần lượt cắm cờ trên đảo Hans vào năm 2005 và 2002. Ảnh: NY Times

Bắc Cực là nơi giàu nguồn tài nguyên năng lượng, chiếm khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% khí tự nhiên chưa được khai thác trên toàn thế giới. Ngoài ra, còn phải kể tới các mỏ quặng (đồng, niken, chì, uranium, paladi, đất hiếm), nguồn trữ lượng cá hay các tuyến đường vận tải hàng hải từ Đông Bắc sang Tây Bắc. 

Những năm gần đây, với việc số lượng băng ở Bắc Cực tan nhanh đáng kể do các tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, một số nước xung quanh như Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã bắt đầu tuyên bố chủ quyền của mình ở khu vực này. Để bảo vệ lợi ích của mình ở vùng Bắc Cực, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điều 38.000 quân, 41 tàu chiến và 15 tàu ngầm tới bảo vệ một vùng khoảng 1,2 triệu km2. Những khu vực này được trang bị tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tối tân. 

Trong khi đó, hai đối thủ của Nga, là Canada và Đan Mạch, đưa ra lập luận rằng các dãy núi ngầm dưới Bắc Cực là phần nền tiếp nối của đảo Greenland (lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và Canada). Năm 2014, Đan Mạch cũng đã đệ đơn đòi chủ quyền 900.000km2, tới tận đường giới hạn 200 hải lý của Nga.  

Không chỉ tranh chấp khu vực với Nga, Đan Mạch còn bất đồng với Canada liên quan đến việc giành chủ quyền ở đảo Hans, một đảo hoang với diện tích 1,3km2 nằm ở vùng xa xôi và hẻo lánh của Bắc Cực. Theo luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong vòng 12 dặm (khoảng 19km) tính từ bờ biển nước họ. Do nằm ở ngay vùng tiếp giáp lãnh hải giữa Canada và Greenland, nên cả hai quốc gia này đều tuyên bố đảo Hans thuộc chủ quyền của mình. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai và thời kỳ Chiến tranh lạnh, việc tranh chấp hoang đảo nhỏ bé này không được hai nước chú trọng. “Cuộc chiến” này chỉ thực sự nóng lên từ năm 1984, khi tàu tuần dương Canada đã đặt chân lên Hans. Họ cắm cờ và để lại một chai rượu của nước mình cùng dòng chữ “Chào mừng đến Canada”.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Công nghiệp Greenland đã đến thăm hòn đảo, thay thế dấu ấn của Canada bằng cờ và rượu của nước mình. Ông cũng để lại lời ghi chú: “Chào mừng bạn đến đảo của Đan Mạch”. Kể từ đó, Canada và Đan Mạch tiếp tục có “cuộc chiến tranh” bằng rượu vang nhằm khẳng định chủ quyền của mình. Trong hơn 30 năm qua, cuộc chiến rượu vang vẫn diễn ra âm thầm như thế, và được nhiều người gọi là cuộc chiến giành lãnh thổ kỳ lạ nhưng cũng hài hước nhất thế giới. Hiện tại, hai nước đang lên kế hoạch để biến đảo Han-xơ thành lãnh thổ chung và lần lượt được quản lý bởi hai quốc gia.

Tại diễn đàn “Bắc Cực - Lãnh thổ của đối thoại” lần thứ 5 diễn ra từ ngày 9 đến 10-4 vừa qua, tại thành phố Saint Petersburg, Ngoại trưởng Nga Seigey Lavrov nhấn mạnh, Nga không làm điều gì khác ngoài việc áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước mình. Theo ông Seigey Lavrov, nhằm củng cố lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, ngăn chặn mọi hành động leo thang Nga ủng hộ việc khôi phục đối thoại chính trị - quân sự đầy đủ giữa các quốc gia Bắc Cực. Ngoại trưởng Seigey Lavrov tin tưởng tất cả các vấn đề liên quan đến Bắc Cực cần phải được giải quyết bằng con đường đối thoại. Bắc Cực không có tiềm năng xung đột và tất cả những vấn đề nảy sinh cần phải được giải quyết bằng con đường chính trị thông qua đàm phán. Về phần mình, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg khẳng định, các nước cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế và lưu ý về vai trò kiến tạo đối thoại của Hội đồng Bắc Cực. 

Thế nhưng, trên thực tế, vùng Bắc Cực vẫn là chủ đề “nóng” trong cuộc chiến chủ quyền.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO