Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Ba Lan trước cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng

Biên phòng - Tình trạng di cư từ Belarus sang Ba Lan ngày càng “nóng” hơn trong những ngày qua, trở thành mối lo hàng đầu của châu Âu. Trong khi nhiều người tị nạn đã thiệt mạng, các bên liên quan vẫn đang có nhiều tranh cãi xoay quan vấn đề di cư.

Người tị nạn chặt cây để phá hàng rào biên giới Ba Lan - Belarus vào đầu tuần này, bất chấp sự ngăn chặn của lực lượng vũ trang Ba Lan. Ảnh: Reuters

Theo truyền thông khu vực, đầu tuần này, khủng hoảng di cư tại biên giới Ba Lan - Belarus rơi vào bế tắc khi người di cư phải dựng trại sống trong điều kiện khắc nghiệt với nguyện vọng vào các nước Liên minh châu Âu (EU). Người tị nạn chủ yếu từ Trung Đông, ồ ạt vượt qua Belarus và tiến tới biên giới Ba Lan. Thời tiết lạnh giá, thiếu thốn thực phẩm, y tế đã khiến nhiều người chết.

Ba Lan và EU cho rằng, thực chất, Belarus đang sử dụng người di cư để tạo ra sức ép chính trị với các nước phương Tây. Từ tháng 6-2021, sau khi EU áp đặt trừng phạt Belarus, lượng người di cư liên tục tăng mạnh tại biên giới Ba Lan, đặc biệt là trong tháng 8 và tháng 9-2021, đã có hàng vạn người đến biên giới Ba Lan - Belarus khiến Ba Lan phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới để ngăn chặn người di cư.

EU cáo buộc chính quyền của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khuyến khích người di cư vượt biên trái phép để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU. Đặc biệt, Thủ tướng Ba Lan, Latvia và Lithuania cùng cáo buộc Tổng thống Belarus là người gây ra khủng hoảng di cư khiến Ba Lan phải thông qua một dự luật vào tháng 10 về xây tường biên giới với Belarus trị giá khoảng 410 triệu USD nhằm củng cố hàng rào dây thép gai vốn không thể cản số người tị nạn “khổng lồ”.

Ngược lại, Tổng thống Belarus nhiều lần bác bỏ những cáo buộc của EU và cáo buộc EU là bên gây ra khủng hoảng di cư, thậm chí còn đối xử tồi tệ với người tị nạn. Chính quyền Belarus cũng tuyên bố, người nước ngoài gần biên giới với Ba Lan muốn vào xin cơ chế tị nạn ở EU, gồm cả phụ nữ, trẻ em và đều không đe dọa tới an ninh. Trước diễn biến mất an ninh tại biên giới, chính quyền Belarus nghi vấn rằng, Ba Lan đã có hành động khiêu khích người di cư dẫn tới đụng độ và các hành động quá khích như phá hàng rào biên giới, đẩy tình trạng khủng hoảng di cư ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thống kê của Ba Lan cho thấy, từ tháng 8 đến nay, đã có trên 30.000 người di cư tìm cách vào nước này. Số người vượt biên trái phép liên tục gia tăng trong những tuần gần đây và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đầu tuần này, chính quyền Ba Lan đã huy động 4.500 nhân viên biên phòng và 9.500 binh lính ứng trực tại biên giới sẵn sàng ứng phó với các cuộc đụng độ.

Giới chức Ba Lan cho biết, tình hình ở biên giới rất căng thẳng trước tình trạng người di cư liều lĩnh vượt biên bất chấp mạng sống nên cần tăng cường các biện pháp bảo vệ biên giới mạnh mẽ hơn. Nhiều thành viên EU hối thúc Liên minh phải mạnh tay bảo vệ Ba Lan và cáo buộc Belarus phải chịu trách nhiệm về làn sóng di cư này. EU kêu gọi các nước thành viên áp đặt thêm biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Belarus. Nga đứng về phía Belarus trong khi nhiều tổ chức nhân đạo cho rằng, các biện pháp đối với người tị nạn của Ba Lan là chưa thỏa đáng.

Theo giới chuyên gia khu vực, trong cuộc khủng hoảng di cư này, các bên liên quan đều khẳng định hành động của mình hoàn toàn có đủ cơ sở vững chắc về tính hợp pháp, tuân thủ đầy đủ các luật quốc tế về nhân đạo. Trong khi tranh cãi vẫn đang diễn ra “nảy lửa” từ chính quyền các bên, lượng người di cư rất lớn lại đang phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và nhiều người đã phải trả giá cho nguyện vọng của mình bằng sinh mạng.

Việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư này là điều không dễ dàng và không thể thực hiện trong “ngày một, ngày hai”. Trong thời gian đó, có thể sẽ có thêm rất nhiều người phải bỏ mạng tại biên giới Ba Lan - Belarus. Tương tự như các cuộc khủng hoảng di cư trước đây, hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế và bản thân các bên liên quan cần “xuống thang” căng thẳng, đặt sinh mạng con người lên trên hết, lấy người di cư là trung tâm để nhanh chóng tìm “lời giải” cho “bài toán hóc búa” này.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO