Biên phòng - Trong Tuyên bố chung ra ngày 9-1, Timor-Leste và Australia nhất trí trong vòng 3 tháng tới sẽ chấm dứt thỏa thuận đã ký giữa hai nước hồi năm 2006, theo đó, phân chia thu nhập từ khu vực dầu khí Greater Sunrise trên biển Timor. Hai nước cũng khẳng định cam kết đàm phán về đường biên giới lãnh hải vĩnh viễn theo tinh thần của ủy ban hòa giải, duy trì quan hệ gần gũi và tiếp tục hợp tác vì sự phát triển và lợi ích kinh tế chung cũng như lợi ích khu vực.

Tranh chấp lãnh hải, Timor-Leste kiện Australia ra Tòa thường trực
Cuối tháng 9-2016, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Haye (Hà Lan) đã tuyên bố chấp nhận thụ lý đơn của Timor-Leste kiện quốc gia láng giềng Australia đã "chèn ép" mình khi phân định lãnh hải. Và trong vụ kiện này, PCA cũng đã bác bỏ lập luận của Canberra cho rằng, Tòa trọng tài Thường trực lâu đời nhất thế giới này không có thẩm quyền xét xử.
Vụ kiện bắt nguồn từ một Hiệp ước về dầu khí mà Timor-Leste và Australia đã ký sau khi quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này tách khỏi Indonesia năm 2002. Sau đó, Timor-Leste đã yêu cầu Australia đàm phán lại vấn đề biên giới trên biển được nêu trong hiệp ước, nhưng bị Canberra bác bỏ và cho rằng phải đến năm 2056 mới có thể đàm phán lại. Timor-Leste đã đệ đơn kiện Australia lên PCA vào tháng 4-2016 và yêu cầu tòa phán xét theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Hiện nay, Dili và Canberra đang trong tiến trình hòa giải, giai đoạn cần thiết để hai bên thương lượng trước khi tòa phân xử. Theo quy định của PCA xung quanh tranh chấp lãnh hải trên biển Timor, sau khi Chính phủ Timor-Leste yêu cầu PCA giải quyết tranh chấp giữa nước này với Australia về đường biên giới lãnh hải đi ngang qua khu vực có trữ lượng dầu khí lớn ở vùng biển này hồi cuối tháng 8-2016. Phía Australia cho rằng, những hiệp ước về ranh giới trên biển trước đây đã được ký với Indonesia và không tồn tại biên giới trên biển giữa Timor-Leste và Australia.
Ngày 26-9-2016, PCA cho biết, tòa có đủ thẩm quyền giải quyết và tiến hành giai đoạn hòa giải trong năm 2017 để hai bên thương lượng trước khi tòa phân xử. Đáp lại, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, Canberra "chấp nhận quyết định của Ủy ban trọng tài, tiếp tục thiện chí bước vào giai đoạn mới của tiến trình hòa giải". Bà Bishop nêu rõ, Australia sẽ nỗ lực làm việc chung với Timor-Leste để thắt chặt quan hệ và vượt qua các bất đồng về biển Timor. Trong năm 2017, sẽ có các cuộc họp kín được tổ chức liên quan vấn đề này giữa đại diện của Timor-Leste - Australia và ủy ban hòa giải.

Timor-Leste xóa bỏ mọi thỏa thuận về lãnh hải trước đây giữa Indonesia và Australia
Timor-Leste là một quốc gia trẻ nhất ở Đông Nam Á, có vùng biển tiếp giáp Australia và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Sau khi tách ra khỏi Indonesia năm 2002, Timor-Leste đã đàm phán với Australia để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa hai nước. Theo các luật sư của Australia, Canberra đã bắt đầu trao đổi thư từ với Dili ngay từ năm 2003 để giải quyết tranh chấp, và vấn đề đã có kết quả thỏa đáng với Hiệp định mang tên "Một số thỏa thuận trên biển ở biển Timor" (CMATS) ký năm 2006, bao trùm vùng mỏ khí đốt rất rộng Greater Sunrise, nằm giữa hai nước. Hiệp định này ấn định mức phân chia 50-50 từ việc khai thác các mỏ năng lượng nằm giữa Australia và Timor-Leste, ước tính khoảng 36 tỷ USD.
Tuy nhiên, PCA cho rằng việc trao đổi thư từ giữa Canberra và Dili không cấu thành một thỏa thuận vì những thư từ này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Ngoài ra, theo thẩm phán của PCA trong Ủy ban trọng tài, tranh chấp phải được đặt trong khuôn khổ UNCLOS, chứ không phải Hiệp định năm 2006. Năm 2012, chính Timor-Leste cũng từng đòi hủy bỏ Hiệp định CMATS, sau khi tố cáo Australia sử dụng gián điệp để giành lợi thế thương mại trong các cuộc đàm phán về Hiệp ước khí đốt ở biển Timor, nơi có trữ lượng khí đốt ước tính trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, đến tháng 6-2015, Dili đã rút lại những cáo buộc gián điệp này, sau khi Australia trả lại một số tài liệu nhạy cảm.
Cựu Thủ hiến bang Victoria, miền Nam Australia, ông Steve Bracks cho rằng, đòi hỏi của Timor-Leste là hoàn toàn hợp lý. Trong khi đó, Giáo sư Damien Kingsbury đến từ Đại học Deakin (Australia) lập luận tranh chấp lấy đi quyền lợi kinh tế của các nước nhỏ yếu hơn và họ có thể mất nhiều quyền lợi hơn, nếu tòa án không giải quyết theo hướng họ yêu cầu. Theo ông, những quyền lợi trong các lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng bởi vụ kiện của Timor-Leste là một ví dụ điển hình. Điều này quan trọng đối với Timor-Leste, vì nếu tòa không ra phán quyết có lợi cho họ, Dili sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Nước thứ 3 chia sẻ lãnh hải ở biển Timor là Indonesia, nhưng quốc gia này đã đồng ý đàm phán song phương vấn đề biên giới trên biển với Timor-Leste.
Trung Nguyên