Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 05:25 GMT+7

Australia và Timor Leste ký Hiệp ước phân định lãnh hải lịch sử

Biên phòng - Ngày 6-3 vừa qua đã đi vào lịch sử trong quan hệ Australia - Timor Leste khi hai nước chính thức ký Hiệp ước phân định ranh giới trên biển, chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài một thập kỷ qua. Văn kiện lịch sử vừa được ký kết đánh dấu sự hòa giải đầu tiên giữa Australia và Timor Leste theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

jn63s2qgwl-73332_e7eb1bd7-9ffe-63ef-0c3e-7b0926fb7196@yahoo.com_anh_1
Đại diện của Australia và Timor Leste ký Hiệp ước phân định ranh giới trên biển. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh chấp lãnh hải trong một thập kỷ

Timor Leste là quốc gia non trẻ nhất ở khu vực Đông Nam Á, có vùng biển tiếp giáp Australia và nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu khí. Độc lập từ năm 2002 sau khi tách ra khỏi Indonesia, Timor Leste có nguồn tài nguyên dầu khí, nhưng không đủ khả năng khai thác, phải cần đến trợ giúp của Australia.

Tuy nhiên, hai nước lại gặp rắc rối về tranh chấp lãnh hải. Lý do là bởi phía Australia xác định đường biên giới lãnh hải dọc theo thềm lục địa của mình, trong khi Timor Leste cho rằng, đường biên giới này phải nằm ở giữa nước này và Australia, theo đó phần lớn mỏ Greater Sunrise sẽ thuộc kiểm soát của nước này. Theo AFP, mỏ Greater Sunrise được phát hiện năm 1974, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển Timor Leste khoảng 150 km về phía Đông Nam và cách bờ biển Darwin, phía Tây Bắc Australia, khoảng 450 km. Tranh chấp kéo dài giữa hai nước đã khiến các công ty dầu khí sở hữu mỏ Greater Sunrise, bao gồm Woodside Petroleum, ConocoPhillips, Royal Dutch Shell và Osaka Gas của Nhật Bản phải tạm dừng dự án trong một thập kỷ qua.

Để giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển, từ năm 2003, Canberra đã tiến hành trao đổi thư từ với Dili. Hai bên đã thông qua Hiệp định "Một số thỏa thuận trên biển ở biển Timor" (CMATS) vào năm 2006, trong đó đề cập tới cả mỏ Greater Sunrise nằm giữa hai nước. Hiệp định này khi đó ấn định mức phân chia 50-50 nguồn lợi khai thác các mỏ năng lượng nằm giữa Australia và Timor Leste. Song do việc trao đổi thư từ giữa Canberra và Dili không có tính ràng buộc về pháp lý, chưa thể cấu thành một thỏa thuận nên có lúc Hiệp định CMATS bị phía Timor Leste từ chối tuân thủ.

Tháng 4-2013, Australia và Timor Leste đã đưa nhau ra Tòa án trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) nhờ phân xử bất đồng trên hồ sơ chia sẻ tài nguyên dầu khí. Timor Leste muốn hủy bỏ hợp đồng 50-50 với Australia vì cho rằng Canberra đã “nghe lén” các viên chức chính phủ Timor Leste để giành lợi thế trong cuộc đàm phán 2004. Chính phủ Timor Leste tuyên bố, hoạt động gián điệp của Australia là một lợi thế không công bằng trong thương thảo về CMATS, phân chia doanh thu hàng chục tỷ USD dầu mỏ và khí đốt nằm dưới đáy biển trong tương lai.

Tại phiên điều trần ngày 29-8-2016 ở La Hay, các luật sư Australia nói với PCA rằng, những hiệp ước về ranh giới trên biển đã được ký kết với Indonesia, và không có biên giới trên biển tồn tại giữa Timor Leste và Australia. Tuy nhiên, Dili kêu gọi tòa án giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

zdgw847uca-73332_4c7a280c-2fc2-8b7d-8411-27eaec313f9e@yahoo.com_anh_2
Khu vực phát triển dầu khí chung giữa Australia và Timor Leste. Ảnh: AP

Sau nhiều vòng thương lượng, đến tháng 8-2017, Australia và Timor Leste đã đạt được thỏa thuận mang tính đột phá về đường biên giới lãnh hải. Chính phủ 2 nước cũng nhất trí rằng thỏa thuận này đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương, cũng như tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân 2 nước. Việc hai nước tự dàn xếp thỏa thuận đã giúp PCA tránh phải đưa ra một phán quyết bất lợi cho một trong hai bên.

Chương mới trong quan hệ hai nước

Theo thỏa thuận, Australia đã đồng ý với Timor Leste về tỷ lệ chia sẻ 50-50 doanh thu từ mỏ Greater Sunrise. Việc chia sẻ doanh thu từ mỏ khí ngoài khơi này sẽ thay đổi tùy thuộc vào lợi ích đạt được từ việc đầu tư theo "các cơ chế khác nhau". Theo các nhà phân tích, mỏ Greater Sunrise ước tính có trữ lượng gần 190 tỷ mét khối khí tự nhiên và 226 triệu thùng khí ngưng tụ (condensates), với tổng trị giá khoảng 40-50 tỷ USD. Timor Leste sẽ nhận 70% doanh thu nếu khí đốt khai thác được đưa đến một nhà máy chế suất ở quốc gia này và 80% nếu khí đốt được khai thác chuyển tới Australia để xử lý. Phía Timor Leste thì cho hay, dự án này sẽ giúp Timor Leste tăng cường vị thế trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Chứng kiến lễ ký kết Hiệp ước phân định ranh giới trên biển giữa Timor Leste và Australia, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop bày tỏ rằng, "Hiệp ước là một thỏa thuận lịch sử mở ra chương mới trong quan hệ song phương. Hiệp ước vạch rõ đường ranh giới lãnh hải lâu dài giữa hai nước cũng như cho phép cùng phát triển và quản lý mỏ khí đốt Greater Sunrise". Về phần mình, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề phân định biên giới của Timor Leste Agio Pereira ca ngợi đây một bước ngoặt lịch sử đối với Timor Leste cũng như đối với tình hữu nghị Timor Leste - Australia.

Việc Australia và Timor Leste ký kết hiệp ước phân định biên giới và phân chia nguồn lợi khai thác khí đốt đã thể hiện tinh thần thiện chí, hòa giải, nỗ lực khôi phục quan hệ gần gũi và tiếp tục hợp tác vì sự phát triển và lợi ích kinh tế của hai bên cũng như lợi ích chung của khu vực.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO