Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

ASEAN vững bước trước thách thức khôi phục tăng trưởng

Biên phòng - Vượt mọi thách thức và khó khăn trong năm 2020 đầy biến động, Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 đã dẫn dắt ASEAN đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi phương diện, đặc biệt là việc xây dựng cộng đồng gắn kết, chủ động vượt mọi khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. 

Biểu trưng chào mừng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cap liên quan tại Hà Nội. Ảnh: Hà Thu

Nỗ lực hơn nữa để phục hồi

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) diễn ra vào đầu tuần này trong khuôn khổ chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tái khẳng định tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng trong cuộc chiến chống Covid-19 nói riêng và mọi hoạt động của ASEAN nói chung. Các Bộ trưởng nhất trí, ASEAN cần có bước đi mới để vừa tăng cường phòng, chống dịch bệnh, vừa xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế.

Hội nghị đánh giá cao các sáng kiến: Lập quỹ ASEAN phòng, chống Covid-19; Kho dự trữ vật tư y tế; quy trình ứng phó dịch bệnh của ASEAN và kế hoạch phục hồi. Các Bộ trưởng đã chỉ ra những nội dung cần đẩy mạnh hợp tác trong quá trình phục hồi và khôi phục tăng trưởng sau đại dịch toàn cầu Covid-19. Nổi bật trong đó là cần phải bảo đảm sự liền mạch của chuỗi cung ứng; khôi phục giao thương an toàn; kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); tăng cường hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua nâng tầm các hoạt động hợp tác giữa các tiểu vùng.

Hội nghị cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm ASEAN trong khu vực. Đồng thời, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã cho ý kiến về Bộ tiêu chí xem xét lập quan hệ đối tác đối thoại của ASEAN. Hội nghị nhất trí để các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).

Thay mặt Chủ tịch ASEAN 2020, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ, đây là giai đoạn “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” của ASEAN. ASEAN cần thể hiện sự đoàn kết, gắn bó để có thể hoàn tất các ưu tiên sáng kiến của năm ASEAN 2020, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Tiếp nối AMM, tại Hội nghị lần thứ 22 Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), các nước ASEAN đều ghi nhận công tác triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả, bất chấp những khó khăn, ảnh hưởng bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra; trong đó 96% dòng hành động đã được đưa vào triển khai.

Về các thách thức an ninh đang nổi lên, trong đó có an ninh mạng, an ninh biển, an ninh y tế..., các nước ASEAN đều nhất trí tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành, gồm cả kênh quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và tư pháp. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2020), đề ra các nguyên tắc định hướng cho hành động và ứng xử của ASEAN ở khu vực và toàn cầu.

Tại Hội nghị lần thứ 28 Hội đồng Cộng đồng ASEAN (ACC), các nước đã nhất trí thông qua và trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tài liệu Điều khoản tham chiếu của Quỹ ASEAN về ứng phó dịch Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và Khung phục hồi Tổng thể ASEAN. Các Bộ trưởng kiến nghị các lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố về thiết lập khuôn khổ Hành lang đi lại ASEAN và công bố thành lập Trung tâm ASEAN đáp ứng các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới nổi (ACPHEED). Đồng thời nhất trí ASEAN cần có những bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mê Công; gắn nội dung này với phát triển chung của ASEAN, nhất là với những kế hoạch hành động như tăng cường Kết nối ASEAN (MPAC), sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)...

Trong ngày 10-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự Lễ ký Văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) cho Colombia, Nam Phi và Cuba tham gia. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá, việc ba nước tham gia TAC khẳng định cam kết mạnh mẽ với mục tiêu, nguyên tắc của Hiệp ước cũng như mong muốn tăng cường hợp tác với các nước ASEAN. Việc ba nước tham gia TAC dịp này đã nâng tổng số nước và tổ chức tham gia TAC đến nay lên con số 43.

ASEAN tái khẳng định lập trường về vấn đề Biển Đông

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, tại AMM, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cơ bản nhất trí, Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực, nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung. Trong bối cảnh này, các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, vai trò quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.

Các Bộ trưởng Ngoại giao tiếp tục kêu gọi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), trông đợi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng thành công Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cao đoàn kết ASEAN, coi đây là nhân tố then chốt trong bảo đảm ASEAN hòa bình, ổn định, độc lập và tự chủ trong môi trường thế giới có nhiều bất ổn hiện nay. Đồng thời, nhắc lại lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với ý kiến đánh giá của các nước về tầm quan trọng đặc biệt của UNCLOS 1982, văn kiện cơ sở, là khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển. Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và Trung Quốc trong thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO