Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 15/09/2024 11:23 GMT+7

ASEAN với nhiều kỳ vọng vượt qua thách thức trong năm 2023

Biên phòng - Những ngày đầu năm mới, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Indonesia đang khởi động những sách lược dẫn dắt khối vượt qua những thách thức của thời cuộc.

Biểu tượng Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia. Ảnh: ASEAN

Phát huy truyền thống, hứa hẹn thành công

Bình luận về việc Indonesia làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, trong 25 năm qua, mỗi khi Indonesia đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên, ASEAN sẽ có rất nhiều ý tưởng và kế hoạch. Dẫn giải cho lập luận này, nhà báo Kavi Chongkittavorn - Cố vấn truyền thông cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết, Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) được xem là những ví dụ mới nhất về cách thức mà Indonesia thúc đẩy để định hình tương lai của khu vực. Indonesia khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN thường hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả và tính năng động trong việc quản lý công việc của khối cũng như quan hệ đối ngoại với tất cả các cường quốc. Việc Indonesia đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối năm ngoái đã giúp tầm vóc của quốc gia này tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo truyền thông khu vực, bối cảnh năm 2023 đặt ra thách thức rất lớn cho quốc gia đảm nhiệm trọng trách này. Dễ thấy, khi làm Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức mới do những thay đổi địa chính trị và địa kinh tế từ bên trong cũng như bên ngoài. Theo kế hoạch nghị sự của ASEAN, tại cuộc họp kín dự kiến vào đầu tháng 2/2023, Indonesia sẽ phác thảo chương trình nghị sự và các ưu tiên của ASEAN. Đáng chú ý trong đó, truyền thông quốc tế dự báo, các ưu tiên của Chủ tịch ASEAN năm 2023 gồm: Y tế khu vực; an ninh lương thực; chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số. Cùng với đó, học giả chính trị, kinh tế khu vực cũng nhận định, việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế và chuỗi sản xuất không gián đoạn cũng sẽ là điều cần thiết được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, môi trường kinh tế hiện nay của ASEAN là tương đối ổn định, đi kèm với đó là yêu cầu phải duy trì được đà ổn định ngay cả khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2023, Indonesia cũng đồng thời tất bật trong việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2024. Một trong những ưu tiên trong năm nay, bên cạnh việc tìm kiếm các ứng cử viên tổng thống kế nhiệm Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chính trường nước này cũng phải nỗ lực hết sức để củng cố vai trò của đất nước trong khu vực và duy trì di sản chính trị mà ông Widodo đã làm kể từ khi nhậm chức vào năm 2014.

Đối với vấn đề an ninh khu vực, Indonesia cũng sẽ gặp áp lực lớn trong các vấn đề như: Cuộc khủng hoảng Myanmar; tình hình Biển Đông; bất ổn an ninh châu Âu, diễn biến an ninh phức tạp ở bán đảo Triều Tiên. Việc tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để khởi động các cuộc đối thoại chính trị toàn diện giải quyết bất ổn an ninh tiếp tục được đề cao với những kỳ vọng hiện thực hóa thành hành động có hiệu quả tích cực.

Đoàn kết là khởi nguồn của tương lai thịnh vượng, bền vững

Ông Rizal Sukma - nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Thủ đô Jakarta của Indonesia cho biết, dù năm 2023, bối cảnh đã có thêm rất nhiều thách thức mang tính lịch sử, tạo ra sự khác biệt rất lớn so với năm 2011 khi Indonesia đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN; tuy nhiên, những thành công mà Indonesia đã đạt được trong năm 2011 cũng tạo ra niềm tin rất lớn về việc nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này tiếp tục ghi thêm nhiều dấu ấn trong hành trình phát triển của khối. Nhìn lại những nét chính trong thành tựu năm 2011 của Chủ tịch ASEAN Indonesia, ông Sukma cho biết, Indonesia đã đặt mục tiêu thúc đẩy chương trình nghị sự tiến thêm một bước: Từ xây dựng cộng đồng khu vực sang xây dựng một ASEAN tự tin và gắn kết, đóng vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) chuyển giao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP

Đặc biệt, năm 2011 là năm ASEAN sẵn sàng tiến bước sau khi thông qua Hiến chương ASEAN năm 2008. Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Indonesia năm đó đã kết thúc với việc thông qua Thỏa thuận Bali III. Thời điểm này, ASEAN đang trên đường thực thi vai trò chủ thể toàn cầu, vừa đảm bảo an ninh khu vực, vừa đóng góp vào sự ổn định toàn cầu. Trở lại năm 2023, ông Rizal Sukma nhìn nhận, ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề lớn, bao gồm phát triển sự thống nhất và vai trò trung tâm của khối. Điều này đặt ra đòi hỏi, ASEAN với tư cách là một thể chế, mọi quốc gia đều phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa nỗ lực hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết những thách thức.

Vị chuyên gia về ASEAN này cũng chỉ ra rằng, thách thức trước hết của ASEAN là đảm bảo khả năng điều hướng cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường quốc ở khu vực. Trong đó, ASEAN phải tiếp tục nỗ lực đảm bảo duy trì quyền tự chủ chiến lược của khối, đồng thời kiên quyết không để bị lôi kéo “chọn phe” giữa các nước lớn.

Đối với Indonesia, chuyên gia Rizal Sukma nhìn nhận, quốc gia này phải liên tục nhấn mạnh các lợi ích chiến lược của ASEAN. Trong bối cảnh các cường quốc ngoài khu vực có ý muốn thúc đẩy tầm nhìn về một trật tự khu vực, ASEAN cần tiếp tục ủng hộ một trật tự khu vực dựa trên Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Indonesia trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN này là phải đảm bảo việc vận hành AOIP.

Cùng với đó, thách thức quan trọng khác của ASEAN là phải “tăng tốc” đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, đây là một nhiệm vụ khó khăn khi bối cảnh địa chính trị toàn cầu có xu hướng diễn biến ngày càng xấu đi. Trong khi đó, các tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra vốn đã làm nhiều quốc gia suy yếu khiến quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian với nhiều khó khăn. Ông Rizal Sukma chỉ ra rằng, vấn đề này cũng chính là ưu tiên quan trọng nhất của Indonesia khi đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch G20 năm 2022 vừa qua và sẽ tiếp tục thúc đẩy ưu tiên này trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023. Indonesia muốn tập trung phục hồi kinh tế, đưa ASEAN trở lại vị thế là tâm điểm của tăng trưởng.

Về yêu cầu trước thách thức về an ninh khu vực, giới chuyên gia quốc tế cùng chung nhận định, nhiệm kỳ của Indonesia phải đảm bảo rằng, Đông Nam Á là một khu vực hợp tác thay vì là nơi diễn ra xung đột. Yêu cầu này đặt ra đòi hỏi về năng lực quản lý các “điểm nóng” tiềm ẩn, quan lý tranh chấp trên Biển Đông. Những điều này sẽ tiếp tục là vấn đề quan trọng bậc nhất trong chương trình nghị sự của ASEAN.

Trong vấn đề chính trị, ASEAN phải nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế. Giới chuyên gia cùng khẳng định, nếu không giải quyết được các thách thức quan trọng hiện hữu thì các mối đe dọa đối với sự phù hợp, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề này vốn được ASEAN nhận thức sâu sắc. Trên thực tế, Indonesia đã kiến nghị ASEAN ưu tiên xem xét cách thức tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của khối.

Giới chuyên gia nhìn nhận, những thách thức của ASEAN là không dễ dàng để giải quyết. Tuy nhiên, ASEAN lâu nay được cộng đồng quốc tế đánh giá là tổ chức khu vực thành công nhất toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để tạo niềm tin rằng, ASEAN trong năm 2023, các vấn đề, thách thức có tầm quan trọng to lớn sẽ tiếp tục được giải quyết cùng lúc với hiệu quả cao.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO