Biên phòng - Ngày 8-8, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập. Ra đời trong giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh vào năm 1967, ASEAN đã phát triển thành một phần chủ chốt trong cấu trúc chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đúng dịp ASEAN tròn 50 tuổi được xem là một bước tiến lớn đối với nền hòa bình khu vực. Tuy nhiên, ASEAN vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh, ổn định và đoàn kết khu vực.

Những thách thức an ninh của ASEAN
Là khu vực có một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới nên ASEAN phải đối mặt với không ít thách thức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các vùng biển này. Trong đó phải kể đến sự gia tăng của các hoạt động cướp biển và tấn công vũ trang trên biển. Trong khi đó, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp làm xói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không.
Vấn đề Biển Đông lâu nay đã đặt ra thách thức lớn cho ASEAN khi 4 trong 10 nước thành viên là các bên tranh chấp và họ muốn dựa vào ASEAN để gây sức ép với Trung Quốc. Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, vấn đề Biển Đông đã trở thành chiếc “phong vũ biểu” đo tinh thần đoàn kết và sự đáng tin cậy của ASEAN. Cuộc tranh chấp đã thách thức nguyên tắc đồng thuận mà khối theo đuổi khi một số thành viên còn có lợi ích kinh tế và chiến lược phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.
Tình hình an ninh bất ổn tại nhiều nơi trên thế giới cùng mối đe dọa từ tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) cũng đã ảnh hưởng tới nhiều nước ASEAN. Hiểm họa khủng bố và cực đoan, vốn đã đe dọa khu vực nhiều năm qua, nay trở thành thách thức nghiêm trọng nhất của ASEAN khi khu vực này đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn hoạt động mới của IS. Hàng trăm chiến binh IS từ Đông Nam Á chiến đấu tại Syria và Iraq đã hồi hương, liên kết với các nhóm khủng bố địa phương.
Một loạt cuộc tấn công của các đối tượng khủng bố ở Indonesia và Malaysia, đặc biệt cuộc xung đột giữa các phiến quân ủng hộ IS và lực lượng chính phủ Philippines tại thành phố Marawi, miền Nam Philippines, cùng hành động chiếm giữ thành phố này, cho thấy IS đang từng bước thực hiện ý đồ thành lập một “tiền đồn” ở Đông Nam Á. Điều này tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa lợi ích và an ninh quốc gia của mỗi nước cũng như sự ổn định của khu vực Đông Nam Á.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, chính điều kiện địa hình với đường biên giới nhiều lỗ hổng và rừng rậm dày đặc ở khu vực đã tạo điều kiện để các nhóm khủng bố lập căn cứ. Chúng đang hoạt động theo cách tối ưu hóa những mạng lưới tội phạm sẵn có chuyên thực hiện các vụ buôn người và vũ khí.
Bên cạnh đó, những thách thức phi truyền thống khác ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng như hiện nay, như bắc cóc con tin, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… đang đặt ra nhiều sức ép đối với ASEAN. Những thách thức này đòi hỏi phải có sự đoàn kết, hợp tác hết sức chặt chẽ trong ASEAN.
Đoàn kết là nhân tố sống còn
Với ASEAN, thách thức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại Biển Đông là một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay. ASEAN và Trung Quốc tuần qua đã đạt được bước tiến mới, khi nhất trí về dự thảo khung COC, mở đường cho tiến trình thương lượng sau này. Việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước ASEAN hay giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc thúc đẩy để văn kiện này có tính ràng buộc về pháp lý, với sự tuân thủ nghiêm túc của các nước liên quan, cũng sẽ là thách thức không nhỏ.
Đồng thuận là nguyên tắc cốt lõi của ASEAN, cho phép ASEAN khẳng định mình như một thực thể khu vực. Tuy nhiên sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên ngày càng xuất hiện nhiều, do đó việc đạt được đồng thuận trong các vấn đề “nóng” ngày càng trở nên khó khăn, đặt ra thách thức với sự đoàn kết của khối. Quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và học thuyết không can thiệp lẫn nhau cũng đặt ra giới hạn về hiệu quả của khối trong việc giải quyết những thách thức chung.
Do hệ quả của nguyên tắc cơ bản trên, ASEAN vẫn luôn mang tiếng là không sẵn sàng hoặc không có khả năng đưa ra một lập trường thống nhất về những vấn đề nội bộ có thể gây chia rẽ ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Những vấn đề này trải rộng từ ô nhiễm môi trường đến vấn đề người Rohingya ở Myanmar hay sự trỗi dậy của phong trào Hồi giáo cực đoan xuyên quốc gia tại bán đảo Malaysia.

Vấn đề này càng được thể hiện rõ trong việc ASEAN xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, ngày càng hung hăng đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này, ASEAN đã phải vật lộn với việc xây dựng một lập trường chung. Kết quả là sự rạn nứt ngày càng lớn giữa các nước thành viên có tuyên bố chủ quyền và những nước không có tuyên bố.
Việc khích lệ các nước đoàn kết vì lợi ích chung của ASEAN đòi hỏi cả khối phải được kết nối bằng một ý thức sâu sắc về bản sắc và lợi ích chung. Quá trình này đã và đang bị vô hiệu hóa do việc Trung Quốc kiên quyết duy trì quan hệ với từng nước trong ASEAN trên cơ sở song phương. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần tự đổi mới để thích ứng. Mặc dù những nguyên tắc và lề lối hiện tại đã đưa ASEAN đi được một chặng đường dài, song cách thức vận hành này cũng có thể khiến khối trở nên dễ bị tổn thương trong thời gian tới.
Đánh giá về những thách thức của ASEAN hiện nay, báo cáo của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) nêu rõ: “Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra nhiều thách thức xuyên biên giới không dễ đối phó, các nước thành viên ASEAN cần nêu cao tinh thần đoàn kết cũng như trách nhiệm để giải quyết các thách thức”.
Theo một số chuyên gia, nhân nửa thế kỷ thành lập, ASEAN có cơ hội để đánh giá lại xem liệu những nguyên tắc nền tảng của khối có còn phù hợp trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng hay không.
Như Trung