Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 03:54 GMT+7

ASEAN - Trung Quốc củng cố lòng tin

Biên phòng - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường hợp tác và củng cố lòng tin, đặc biệt trong bối cảnh an ninh Biển Đông đang trở thành mối quan tâm hàng đầu. Giữa tháng 10 vừa qua, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18 đã diễn ra tại Đà Lạt, Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

y2mj_26a
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: B.P

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC đã thành công tốt đẹp với việc các nước ASEAN và Trung Quốc thống nhất tiếp tục đảm bảo tuân thủ đầy đủ DOC và gia tăng nỗ lực xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả hội nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18 diễn ra tại Đà Lạt vào ngày 15-10. Trước đó, trong 2 ngày 13 và 14-10, đã diễn ra Cuộc họp lần thứ 30 Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về Thực hiện DOC.

Đây là các hội nghị giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm kiểm điểm tình hình Biển Đông, thực hiện DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tại hội nghị, các nước ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. 

Về thực hiện DOC, hội nghị nhất trí cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trong đó, ưu tiên triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác xử lý những thách thức chung như bảo vệ môi trường biển, đối xử nhân đạo với ngư dân. 

Về đàm phán COC, các nước nhất trí cần duy trì đà tiến triển đã đạt được, khẳng định cần gia tăng nỗ lực để xây dựng bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất có thể ngăn ngừa xảy ra những vụ việc phức tạp như hiện nay; nhất trí cần chuẩn bị kỹ cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được những kết quả cụ thể, thực chất đồng thời trao đổi về những cách làm mới để áp dụng cho vòng đàm phán tiếp theo”.

Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã làm rõ về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng, nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

Khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC, đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh, tình hình hiện nay càng cho thấy tính cấp thiết của việc có Bộ Quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai. Đoàn Việt Nam cũng đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có việc tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vai trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán.

06sc_26
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: B.P

Đối với vấn đề Biển Đông, phải thừa nhận rằng, yếu tố tin cậy đã giảm bớt giữa các quốc gia có yêu sách. Nhưng chính điều này cũng giúp thúc đẩy mạnh mẽ hơn các cuộc đối thoại song phương. Nguyên tắc của ASEAN là làm sao để luôn đảm bảo sự thống nhất và đoàn kết theo “Phương thức ASEAN”, tức là sử dụng sự thỏa hiệp, đồng thuận và tham vấn trong khi ưu tiên các quy trình ra quyết định không chính thức và các cách thức giải quyết không xung đột các vấn đề, và làm thế nào để đảm bảo sự tin tưởng lẫn nhau và sự tự tin đã hỗ trợ cộng đồng ASEAN cho đến nay.

Lòng tin không thể được xây dựng bằng cách gia tăng các hoạt động quân sự, điều tàu sân bay, tăng cường đội tàu hải quân, tàu ngầm, thăm dò dầu khí hoặc thiết lập các liên minh vây quanh. Điều đó chỉ làm gia tăng căng thẳng. Trong khi đó, tôn chỉ của ASEAN là ưu tiên tham vấn, đối thoại và giải pháp không xung đột và không đối đầu. Điều này lại giúp khuyến khích Trung Quốc tham gia thực sự vào các cuộc đàm phán, hội nghị, mà điển hình là Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 18 vừa qua.

Hồng Ngọc (tổng hợp)

Bình luận

ZALO