Biên phòng - Dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng toàn cầu suốt 3 tháng qua đang khiến cả thế giới chao đảo, gây nên những cơn “chấn động” tới kinh tế - xã hội của cả thế giới. Trong khối ASEAN, đại dịch toàn cầu này cũng gây ra tác động không nhỏ, nhưng diễn biến mới đang cho thấy đây sẽ chỉ là tác động ngắn hạn, trong khi tập thể các nước thành viên ASEAN cùng quyết tâm tăng cường khả năng phục hồi.

Sớm phục hồi
Sau 3 tháng kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc, tính đến sáng ngày 20-3, dịch Covid-19 đã lan tới 8/10 quốc gia ASEAN, chỉ có Lào và Myanmar chưa có người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đại dịch toàn cầu này. Trong khối ASEAN, cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 được thực hiện theo phương châm sử dụng sự nỗ lực của 10 quốc gia thành viên.
Thống kê đến sáng ngày 20-3, Malaysia có 900 ca nhiễm, trong đó có 2 ca tử vong, 75 ca đã bình phục; Singapore có 345 ca nhiễm, trong đó, không có ca tử vong, 124 ca đã bình phục; Thái Lan có 272 ca nhiễm, trong đó có 1 ca tử vong, 42 ca đã bình phục. Đây là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Trong khi Việt Nam được đánh giá là nước kiểm soát tốt nhất trước dịch Covid-19 có 87 ca nhiễm, trong đó có 17 ca đã phục hồi.
Covid-19 đã gây nên sức ép rất lớn tới nền kinh tế Trung Quốc và kéo theo đó là sự ảnh hưởng tới nền kinh tế của các nước ASEAN khi chuỗi cung ứng Trung Quốc – ASEAN bị gián đoạn. Không thể phủ nhận rằng, đối mặt với đại dịch toàn cầu, kinh tế ASEAN sẽ không thể đạt được mức kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 của một số nước ASEAN bị hạ thấp. Sự sụt giảm nghiêm trọng trong ngành dịch vụ, du lịch của ASEAN là một điển hình dễ nhận thấy nhất khi các nước đã buộc phải hạn chế nhập cảnh, thậm chí buộc phải “bế quan tỏa cảng” để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Cùng với du lịch, việc siết chặt kiểm soát tại các biên giới, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh cũng tạo ra sự sụt giảm trong xuất - nhập khẩu giữa ASEAN và Trung Quốc.
Đối với nguồn cung, năng lực sản xuất cũng giảm mạnh khi Trung Quốc bùng phát dịch khiến lượng lớn dây chuyền sản xuất phải đóng cửa tạm thời. Thời điểm dịch bệnh trở nên nghiêm trọng trùng với dịp Tết Nguyên đán cũng khiến nguồn nhân lực người Trung Quốc không thể quay trở lại các nước làm việc. Trung Quốc và ASEAN là những nơi xuất hiện dịch sớm nhất và chịu ảnh hưởng xuyên suốt 3 tháng đầu năm. Điều này cũng dẫn tới thực trạng dòng vốn đầu tư trong đầu năm 2020 bị thu hẹp, thị trường tài chính sụt giảm khi mọi ngành nghề đều bị suy yếu mạnh.
Đánh giá về triển vọng trong năm 2020, giới chuyên gia kinh tế nhận định, Trung Quốc hiện nay đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong việc kiềm chế và kiểm soát dịch tương đối hiệu quả, giúp sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ sớm được phá bỏ. Có thể khẳng định rằng, sự tác động của dịch Covid-19 hiện nay ở khu vực ASEAN chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm phục hồi trở lại.
Chứng minh năng lực
Trong cuộc chiến của ASEAN chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chứng minh được vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của mình là rất tích cực, góp phần hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh tại khu vực. Đối với Việt Nam, đây cũng là cơ hội để khẳng định vai trò của mình trong nỗ lực củng cố sự đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN.
Ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, hiệu quả tích cực trong thực tiễn đã minh chứng rằng, ASEAN là một tổ chức khu vực tiêu biểu và là “lá cờ đầu” trong nỗ lực khống chế Covid-19. Trên thực tế, WHO đã khuyến nghị Liên minh châu Phi tham khảo mô hình giải pháp của ASEAN trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này. Đại sứ các nước ASEAN cũng đánh giá cao Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thúc đẩy nhiều sáng kiến, nỗ lực chung trong ứng phó với sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, Liên hợp quốc đánh giá rất cao những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 hiện nay. Đây là những biện pháp hữu hiệu để chặn đà lây lan dịch bệnh và Liên hợp quốc đã sử dụng những kinh nghiệm của Việt Nam để chia sẻ với nhiều nước khác.
Riêng tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, đất nước ta đã chứng minh được nhiều kỳ tích được nhân dân và thế giới hết sức ủng hộ. Thậm chí, những bản tin nói về sự hiệu quả và sức lan tỏa rộng rãi trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam còn xuất hiện rất nhiều trên nhiều kênh truyền hình, báo chí của thế giới.

Ngày 15-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh. Trong đó nhấn mạnh, với sự đoàn kết ASEAN và tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết mạnh mẽ chung tay kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.
Từ đầu năm đến nay, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức thành công 3 hội nghị của ASEAN gồm: Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao (AMM), Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM). Các hội nghị đều tập trung thảo luận về sự đoàn kết, thống nhất hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó đều khẳng định Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó tập thể trước sự bùng phát dịch Covid-19.
Nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch Covid-19, các nước ASEAN khẳng định cam kết duy trì các chính sách mở cửa kinh tế và hội nhập của khối, thúc đẩy khả năng phục hồi khu vực, sẵn sàng tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác ngoại khối và cộng đồng quốc tế để tăng cường các biện pháp giảm thiểu, cũng như loại bỏ các tác động của Covid-19. Đồng thời, các nước nhất trí củng cố hợp tác kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối để tổng hợp các sáng kiến nhằm làm ổn định và giảm rủi ro kinh tế trước những cú sốc bên trong và bên ngoài.
Thanh Trúc