Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 08:54 GMT+7

ASEAN phòng chống biến đổi khí hậu: Không thể “chùn bước”

Biên phòng - Kể từ năm 2020, đại dịch toàn cầu Covid-19 bùng phát và hoành hành khắp toàn cầu đã phần nào làm suy yếu nỗ lực chung của nhân loại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Truyền thông quốc tế đánh giá, trong một năm qua, cả thế giới phải hứng chịu một thảm họa chưa từng có và phải dồn tổng lực để chiến đấu với dịch bệnh. Dù thiệt hại về nhân mạng, vật chất vẫn đang gia tăng mỗi ngày bởi dịch bệnh, song, tai họa thiên nhiên cũng đang hằn sâu thêm những nỗi đau thương, mất mát.

Phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của HĐBA LHQ với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”. Ảnh: VGP

ASEAN chung tay, đồng lòng

Một trong những điểm nhấn thể hiện hành động thúc đẩy cuộc chiến chống BĐKH trong năm qua là việc Liên minh châu Âu (EU) công bố “Thỏa thuận xanh” định hướng cho châu lục giảm lượng khí thải nhà kính xuống 55% vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050. Đồng thời, EU sẽ chi gần 65,14 tỷ USD cho các sáng kiến khí hậu trong 7 năm tới. Tại châu Á, hàng loạt hành động tăng cường chống BĐKH cũng được kết nối trở lại sâu thời gian gián đoạn bởi dịch Covid-19. Nổi bật nhất là cam kết khử khí thải carbon trong mục tiêu phát triển kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc vào năm 2050 và của Trung Quốc vào năm 2060.

Tại Đông Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đứng trước các mối đe dọa như nước biển dâng; thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến nông nghiệp, sản xuất lương thực; lũ lụt nghiêm trọng gần đây xảy ra ở khu vực Đông Dương và Philippines;... Dù định hình rõ sự cấp thiết về chống BĐKH, song, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các quốc gia đều đang phải đối diện với những hạn chế khi mọi nguồn lực đều đang ứng phó với dịch bệnh. Dẫu vậy, truyền thông quốc tế vẫn khẳng định, ASEAN đang cho thấy sự đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm cao về chống BĐKH.

Nổi bật trong đó, Indonesia gần đây đã tái khẳng định cam kết giảm 29% lượng khí thải một cách độc lập, hoặc 41% với sự hỗ trợ quốc tế vào năm 2030. Indonesia là quốc gia đông dân nhất ASEAN và là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Thái Lan gần đây cũng đã phát hành đợt trái phiếu xanh thứ hai với mục tiêu tài trợ các tuyến tàu điện trên cao, giảm 28.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Đồng thời phác thảo kế hoạch hệ thống giao thông bền vững môi trường đầy hứa hẹn.

Ngoài ra, theo giới chuyên gia, hợp tác giữa các nước ASEAN cũng là yếu tố rất quan trọng để bổ sung và mở rộng quy mô nỗ lực của mỗi nước. Các nước ASEAN hiện đang cùng phương châm quản lý rừng bền vững, giảm cường độ năng lượng, vận chuyển đất bền vững và tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu rủi ro thiên tai khí hậu. Nổi bật trong thời gian gần đây là sự hợp tác giữa Singapore và Indonesia hướng tới tương lai carbon thấp. Trong đó, hai nước đều nêu bật được nhiều thành tựu đạt được từ đổi mới, đầu tư và hợp tác trong 3 lĩnh vực nổi trội gồm an ninh lương thực; năng lượng sạch; thúc đẩy đầu tư và hợp tác liên quan tới giảm thiểu carbon. Cũng theo giới chuyên gia quốc tế, ASEAN đang từng bước xích lại gần nhau hơn để chung tay hành động có hiệu quả hơn đối với chống BĐKH.

Việt Nam với “động lực” thay đổi

Năm 2020, Việt Nam trở thành một “điểm sáng” hiếm hoi của thế giới, ghi dấu ấn sâu sắc đối với quốc tế khi vừa chiến thắng đại dịch Covid-19, vừa chiến thắng thiên tai lịch sử. Thắng lợi trước “cuộc chiến kép” đã khẳng định cho sức mạnh của Việt Nam, hơn hết là tinh thần đại đoàn kết cùng sự lãnh đạo sáng suốt của hệ thống chính trị.

Cuối tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong tháng 2-2021 đã mời Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của HĐBA LHQ với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”.

Sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định và đề cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc cần làm là phải loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất bình đẳng, chính trị cường quyền và can thiệp, áp đặt đơn phương. Thủ tướng kêu gọi việc tuân thủ nghiêm túc Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế cần trở thành một chuẩn mực hành xử trong quan hệ quốc tế, nhấn mạnh HĐBA và cộng đồng quốc tế cần dành thêm nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của BĐKH; mong muốn HĐBA tăng cường năng lực về cảnh báo, trung gian hòa giải, ngăn ngừa và giải quyết xung đột; bảo đảm tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ của quốc gia; đặt lợi ích chung của cộng đồng và mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch ứng phó với BĐKH ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Bức ảnh chụp trên đảo Sumatra cho thấy nhà máy phân bón xả khói bên cạnh sông Palembang ở thành phố Palembang, thủ phủ của tỉnh Nam Sumatra, Indonesia. Ảnh: AFP

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chủ trương và quyết tâm chính trị cao trong việc chủ động thích ứng hiệu quả với BĐKH, đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH, đồng thời khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về BĐKH tại HĐBA và các diễn đàn đa phương khác, luôn hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và tích cực ủng hộ hợp tác ASEAN - LHQ trong lĩnh vực này.

“Những thách thức của BĐKH hoàn toàn có thể là động lực của sự thay đổi, góp phần xây dựng một tương lai hòa bình và phát triển bền vững hơn các thế hệ mai sau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Giới chuyên gia quốc tế cùng chung khẳng định rằng, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc giải quyết những thách thức về BĐKH vẫn phải là một ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ, khủng hoảng BĐKH sẽ tồi tệ hơn nhiều lần so với đại dịch toàn cầu hiện nay. Như Tổng thư ký LHQ António Guterres từng khẳng định, BĐKH là thách thức hàng đầu của thế kỷ 21, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường nguồn lực hỗ trợ các nước chịu tác động của BĐKH và tăng cường hợp tác đa phương trong nỗ lực này.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO