Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

ASEAN khẳng định quyết tâm về tôn trọng luật lệ quốc tế trên Biển Đông

Biên phòng - Tuyên bố chung kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) khẳng định quyết tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác, nơi tàu bè qua lại tự do và an toàn, các nước đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Âu tàu đảo Đá Tây A thuộc cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Khẳng định quyết tâm nâng tầm vóc ASEAN

Bình luận về giá trị cốt lõi của ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, ASEAN ra đời và lớn mạnh trong hơn nửa thế kỷ là nhờ giá trị của Cộng đồng ASEAN. Giá trị của ASEAN cũng là lợi ích của mỗi quốc gia thành viên. Diễn giải về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nêu, nếu các nước đứng riêng lẻ, sẽ có những việc rất khó để thực hiện, thậm chí là không làm được. Ngược lại, khi gắn kết cùng nhau, nhiều việc “bất khả thi” ấy đã được hiện thực hóa. Mặt khác, khi gắn kết với nhau trong một cộng đồng, các quốc gia sẽ có vị thế và tiếng nói quan trọng, hiệu quả hơn rất nhiều, đóng góp vào tạo dựng hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, để ASEAN vững mạnh, yếu tố cần thiết nhất chính là đoàn kết, chung ý chí, tôn trọng những nguyên tắc của ASEAN như nguyên tắc đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Những nguyên tắc này cũng chính là nền tảng để các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất lập trường với nhau. Một giá trị rất quan trọng khác của ASEAN là vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế và khuôn khổ do ASEAN thành lập và dẫn dắt. Các cơ chế và khuôn khổ này có ý nghĩa không chỉ đối với ASEAN mà với cả khu vực và thế giới. Đây cũng là nguồn lực thu hút được sự tham gia của nhiều đối tác, trong đó có cả các nước lớn. Các nước đều tôn trọng các cơ chế, khuôn khổ của ASEAN, tức là tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Ông Vũ Hồ, Quyền Trưởng quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam cho biết, cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN theo hình thức trực tiếp tại Campuchia vừa qua đã phản ánh nhiều ý nghĩa quan trọng. Dễ thấy nhất là sự khẳng định về tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, nhất trí, cũng như sự linh hoạt và sáng tạo của các quốc gia thành viên ASEAN để cùng hướng tới Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng. Ông Vũ Hồ khẳng định, tầm nhìn về Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 đang từng bước hình thành, giao thoa giữa các dân tộc tiếp tục được nâng lên tầm cao mới, an sinh xã hội cùng thu hẹp khoảng cách được đề cao.

Theo ông Vũ Hồ, các nước đối tác, nhất là các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ... đã lần lượt đề xuất nâng cấp quan hệ với ASEAN. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, vị thế, uy tín của ASEAN đang tăng lên không ngừng. Trước những thách thức hiện hữu của thời cuộc, trên thực tế, ASEAN thống nhất sự đoàn kết, nhất trí tiếp tục là nhân tố then chốt trong hoạt động của ASEAN. Các nước ASEAN cũng cùng chung khẳng định lấy hòa bình và ổn định là mục tiêu, đối thoại và hợp tác làm công cụ, cùng hướng tới tương lai.

Quốc tế ủng hộ vai trò của ASEAN tại Biển Đông

Cũng tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các nước cùng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) đảm bảo hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Các quốc gia ASEAN cùng nhất trí xây dựng Tuyên bố chung kỷ niệm 20 năm DOC (2002-2022), qua đó khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác, nơi tàu bè qua lại tự do và an toàn, các nước đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Theo Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, bên cạnh tuân thủ DOC, việc hoàn tất các cuộc đàm phán về COC là quan trọng. Tuy nhiên, kết quả đàm phán phải thực chất, hiệu quả và phải phù hợp với UNCLOS. Theo Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và kết luận sơ bộ về COC có tầm quan trọng rất lớn. Các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần tiếp tục được quản lý một cách hài hòa, hợp lý thông qua đối thoại và đàm phán, sử dụng các diễn đàn và kênh ngoại giao phù hợp, đồng thời dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Ở phương Tây, những lập trường, nguyên tắc của ASEAN cũng được đề cao tại cuộc tham vấn Anh - Australia vào đầu năm nay giữa Ngoại trưởng Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton của Australia và Ngoại trưởng Elizabeth Truss, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace của Anh. Các bộ trưởng của hai nước cam kết hợp tác với các đối tác để hình thành một khu vực dựa trên nền tảng các quy tắc và chuẩn mực, không bị ép buộc, nơi các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các bộ trưởng hoan nghênh việc tăng cường mối quan hệ với ASEAN, bao gồm việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Australia và vị thế mới của Anh với tư cách là đối tác đối thoại chính thức của ASEAN. Mặt khác, các bộ trưởng Anh và Australia ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN, cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt và việc triển khai Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cùng với đó, Anh và Australia cùng nhấn mạnh sự phản đối mạnh mẽ đối với các hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, bao gồm các hành động quân sự hóa ở các khu vực có tranh chấp, sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân biển theo cách nguy hiểm. Cùng với đó, các nỗ lực làm gián đoạn việc sử dụng tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia cũng bị các bộ trưởng của Australia và Anh lên án. Đồng thời, các bộ trưởng tái khẳng định, phán quyết Biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 là chung thẩm và mang tính ràng buộc các bên.

Liên quan đến quy tắc ứng xử trên biển, Anh và Australia cùng cho rằng, bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng phải phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Đặc biệt trong đó, các bộ quy tắc không được làm phương hại đến quyền hoặc lợi ích của các nước theo luật pháp quốc tế, cũng như làm suy yếu cấu trúc khu vực bao trùm hiện có. Các tuyên bố chủ quyền cũng như việc thực hiện luật pháp phải phù hợp với UNCLOS.

Theo giới chuyên gia quốc tế, với mục tiêu gìn giữ hòa bình, ổn định tại khu vực, Biển Đông vẫn là mối quan tâm của các quốc gia. Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông gây nguy cơ mất ổn định, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực, ASEAN đã liên tục khẳng định sự kiên trì lập trường, nguyên tắc, thể hiện quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác thông qua kiềm chế, thượng tôn pháp luật, xây dựng lòng tin và bảo vệ môi trường; khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục tiến trình đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO