Biên phòng - Đầu tuần qua, tại Đà Nẵng, Việt Nam đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM hẹp) lần thứ 26. Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN chủ trì hội nghị. Nhân dịp hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thảo luận và đưa ra phương hướng hợp tác về kinh tế trong ASEAN nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025.
Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19
Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng Kinh tế thuộc các nước thành viên ASEAN, các chuyên gia kinh tế cao cấp của các nước ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nga và Canada), Tổng Thư ký ASEAN và các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC).
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về nội dung chương trình làm việc tập trung vào lĩnh vực kinh tế trong năm 2020; trong đó, có 62 chương trình khác nhau thuộc các ngành sản xuất hàng hóa, thương mại dịch vụ; môi trường đầu tư; thuận lợi hóa di chuyển của lao động tay nghề cao và khách kinh doanh; chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ; thương mại điện tử; số liệu thống kê... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác ngoài ASEAN như việc khởi động rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA); hợp tác với Hàn Quốc...
Ngoài ra, Bộ trưởng các nước ASEAN đã thông qua các khuyến nghị của Hội nghị Nhóm Đặc trách cao cấp về hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37) tổ chức đầu tháng 2 tại Hà Nội. Theo đó, một số khuyến nghị tiêu biểu như các nhóm công tác chuyên ngành về kinh tế tại các nước ASEAN tiếp tục tham gia vào việc rà soát giữa kỳ Hội nghị Nhóm Đặc trách cao cấp về hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37).
Bên lề Hội nghị AEM hẹp, tại thành phố Đà Nẵng cũng đã diễn ra cuộc họp giữa các Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cuộc họp nhằm thảo luận về phương hướng đàm phán và hướng tới ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020. Kết thúc cuộc họp, một bản báo cáo nêu rõ về tình hình đàm phán và hướng giải quyết các vấn đề còn vướng mắc đã được các đại biểu gửi đến các trưởng đoàn các đoàn đàm phán RCEP của ASEAN.
Hiệp định RCEP được 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand) khởi động đàm phán từ tháng 11-2012. Việc các nước đạt được Hiệp định RCEP sẽ giúp tăng cường sự phát triển thương mại và đầu tư trong khu vực, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người dân. Sau nhiều vòng đàm phán, tháng 11-2019, Ấn Độ bất ngờ thông báo không tham gia Hiệp định RCEP. Vì vậy, tại hội nghị AEM lần này, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã nhất trí thông qua một số biện pháp thúc đẩy, tìm kiếm tiếng nói chung giữa Ấn Độ và các nước còn lại để tiến tới ký kết RCEP vào tháng 10-2020.
Kết thúc hội nghị, trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN đã đưa ra Tuyên bố chung về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với Covid-19. Theo đó, các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và nền kinh tế thế giới; cũng tác động bất lợi của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, sản xuất, bán lẻ và các dịch vụ khác... Trên cơ sở đó, Tuyên bố nhất trí thực hiện các hành động chọn lọc để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19, bao gồm một số biện pháp như: Tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và đầu tư trong ASEAN; đưa công nghệ và thương mại số hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động; tăng khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng; củng cố hợp tác kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan; kiềm chế lạm phát, đảm bảo nguồn hàng hóa và nhu yếu phẩm...
Việt Nam nêu nhiều sáng kiến quan trọng
Tham gia hội nghị lần này, với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất 13 sáng kiến về lĩnh vực kinh tế ASEAN trong năm 2020. Trong số 13 sáng kiến, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua 12 sáng kiến tập trung vào các lĩnh vực về thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo... theo 3 định hướng chính là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN. Ngoài ra, sáng kiến thứ 13 về giảm cước chuyển vùng quốc tế đã được nhất trí về mặt nội dung, nhưng cần thông tin thêm thông số kỹ thuật trước khi chính thức thông qua.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi hội nghị kết thúc, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam đã thể hiện vai trò rất chủ động, tích cực từ công tác chuẩn bị đến việc đề xuất các sáng kiến về kinh tế ASEAN năm 2020. Bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã phối hợp với các nước và Ban Thư ký ASEAN chuẩn bị hội nghị một cách an toàn, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch cho các đại biểu. Về những sáng kiến của Việt Nam được các nước thông qua trong hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những sáng kiến lần này rất thực chất, đáp ứng được các mục tiêu giúp ASEAN nâng cao khả năng thích ứng đối với những diễn biến mới của kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, những sáng kiến của Việt Nam và Tuyên bố chung của hội nghị AEM lần này đã cho thấy quan điểm, cam kết nhạy bén, có trách nhiệm của Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN. Điều này cũng thể hiện sự đoàn kết hợp tác của ASEAN trong những vấn đề về sức khỏe, y tế của người dân cũng như trong phát triển kinh tế bền vững nhằm đạt được mục tiêu riêng của mỗi nước và mục tiêu chung của ASEAN.
Thu Minh (tổng hợp)