Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

ASEAN “hợp lực” tăng cường an ninh, quốc phòng bền vững

Biên phòng - Trước những thách thức truyền thống và phi truyền thống, việc tăng cường và tối ưu hiệu quả hợp tác quốc tế, thúc đẩy niềm tin sẽ là “chìa khóa” đem lại sự ổn định và phát triển chung cho khối thịnh vượng ASEAN.

059a_11a
Toàn cảnh Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 17-11. Ảnh: TTXVN

Từ ngày 17 đến 19-11, Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 đã diễn ra tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; 8 nước đối tác đối thoại gồm Nga, Mỹ, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Chủ trì hội nghị lần này là Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng Thái Lan. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, dẫn đầu đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh trên thế giới cũng như tại khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. Mặc dù ASEAN được đánh giá là tổ chức quốc tế thành công nhất trên thế giới, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới tác động trực tiếp tới khối phát triển thịnh vượng này.

Trên cương vị là Chủ tịch Điều hành hội nghị, Đại tướng Prawit Wongsuwan đánh giá, các nước thành viên của ASEAN luôn đoàn kết và hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng nội khối, nhờ đó luôn phát huy vai trò tích cực và hiệu quả trước những thách thức chung. Đại tướng Prawit Wongsuwan cũng nhấn mạnh rằng, ADMM là diễn đàn đối thoại đưa ra cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong việc tăng cường hợp tác, nhất là phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của ASEAN hiện nay là sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Đây được xem là yếu tố tạo nên nhiều thuận lợi và cũng là tác nhân gây ra những thách thức. Trước những thách thức hiện hữu của ASEAN, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc tế là “chìa khóa” đem lại sự ổn định và phát triển chung. Điều này đòi hỏi sự tôn trọng và nghiêm túc cam kết của các nước.

Bên cạnh đó, sự đoàn kết và hợp tác đa phương sẽ là động lực chính để giải quyết được những mối đe dọa về an ninh truyền thống và phi truyền thống đang diễn biến phức tạp hiện nay. Chính vì vậy, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, tiếp tục tăng cường hợp tác nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và quốc tế là điều hết sức cần thiết, trong đó có sự hợp tác phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tại diễn đàn của Cộng đồng ASEAN này, các nước đã cùng thông qua nhiều tài liệu quan trọng trong lĩnh vực an ninh. Trong đó, các nước đều bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến của Thái Lan về việc phát huy vai trò của lực lượng vũ trang và quốc phòng trong vấn đề đánh bắt cá trái phép.

Với chủ đề “An ninh bền vững”, tại các phiên họp của hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã tập trung thảo luận 7 lĩnh vực hợp tác về nhân đạo, ứng phó với thiên tai, an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố và các vấn đề liên quan. Trong đó, vấn đề an ninh biển, an ninh Biển Đông là một trong những vấn đề được các nước chú trọng bàn thảo.

Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN và tổ chức ADMM lần thứ 14, ADMM+ lần thứ 7. Nhân dịp hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch khẳng định mong muốn tiếp tục nâng cao sự đoàn kết nội khối ASEAN trong hoạt động quân sự và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước ngoài khu vực do ASEAN dẫn dắt.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO