Biên phòng - Sau những thành, bại tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua, dư luận bắt đầu phân tích và rút ra bài học: Sự đoàn kết, tinh thần thiện chí và đóng góp với vai trò trung tâm luôn là kim chỉ nam cho mọi thành công. Và điều đó được thể hiện rất rõ nét tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Xin-ga-po, từ ngày 11 đến 15-11. Với mục tiêu nêu cao vai trò tự cường, sáng tạo và là trung tâm trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ASEAN đang có sức hút rất mạnh mẽ. Hòa trong lợi ích chung toàn cầu, ASEAN đang bước những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển, dù thách thức vẫn còn nhiều ở phía trước.

“Tự cường và sáng tạo”
Sau hội nghị, điều thể hiện rõ nét nhất không chỉ là việc Singapore đã làm tốt vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2018, giúp ASEAN thực hiện các mục tiêu đề ra trong giai đoạn này, với tinh thần “tự cường và sáng tạo”, mà còn có nhiều kết quả cụ thể, ví như trong vấn đề Biển Đông với việc Trung Quốc và ASEAN đã vạch ra khung thời gian dự kiến là khoảng 3 năm để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Điều đó cho thấy bản thân ASEAN rất nỗ lực để giải quyết các thách thức từ bên trong tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Thực tế cho thấy môi trường chiến lược toàn cầu xung quanh ASEAN tiếp tục tiến triển và trở nên ngày càng phức tạp. Quan hệ với nước lớn tiếp tục định hình môi trường địa chính trị và kinh tế của Đông Nam Á, khu vực vốn đã trở nên phức tạp hơn nhiều do sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng mở rộng về thương mại, đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh sự cạnh tranh địa chiến lược đang gia tăng.
Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, cuộc cách mạng công nghệ thông tin tăng cường kết nối về vật chất, thể chế và kết nối giữa người dân, những đường biên giới dễ thâm nhập giữa các quốc gia do những kết nối sâu sắc đó tạo ra cũng mang lại một loạt thách thức mới, đặc biệt là các mối quan ngại về an ninh phi truyền thống. Với môi trường luôn thay đổi hơn bao giờ hết, dưới ánh sáng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có lẽ cần phải xem xét lại thực tiễn và những lối tư duy cũ. Đây là nơi khả năng “sáng tạo” được phát huy, không chỉ để khai sáng những góc nhìn mới về các thách thức hiện tại và đang nổi lên, mà còn khai thác các giải pháp mới và sáng tạo với nhiều giải pháp, trong số đó được thúc đẩy bởi công nghệ, phục vụ cho sự tiến bộ của các dân tộc trong ASEAN. Vì vậy, một ASEAN “tự cường và sáng tạo” phải được coi là điều tất yếu.
Những sự “xoay trục”
Có lẽ không phải đến tuần lễ cấp cao ASEAN vừa qua thì mối quan hệ giữa Nga - ASEAN mới được đẩy mạnh, mà đây còn là cơ hội nữa để cả ASEAN và Nga cùng thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ cùng có lợi. Cặp quan hệ này vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ, lệnh cấm vận đang làm tổn hại các mối quan hệ quốc tế. Biểu hiện “xoay trục” (hay chính sách hướng Đông) rõ nhất của Nga là năm 2012, Nga đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Năm 2016, Nga đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt khi nước này đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác. Năm ngoái, Nga đã quyết định thành lập Cơ quan đại diện thường trực tại ASEAN, một bước đi cần thiết để đến Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN năm 2018, hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan vừa qua, Nga đã thể hiện sự quan tâm hơn tới các định dạng “lấy ASEAN làm trung tâm”. Điều này còn gia tăng nếu APEC tiếp tục không còn hấp dẫn các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Nga. Hiện nay, sáng kiến hàng đầu của Nga tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) là một cuộc đối thoại cấp chuyên gia về một kiến trúc an ninh khu vực, nhưng cho đến nay, sáng kiến này chưa có đủ sức mạnh để thu hút các nước. Mục tiêu cuối cùng của Nga là sắp xếp lại một cách hợp lý các cuộc đối thoại theo chủ đề an ninh tại các diễn đàn khác nhau như EAS, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN để sao cho cùng một người sẽ không thảo luận về cùng một vấn đề trên các diễn đàn khác nhau.
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không có mặt, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành người đại diện để thuyết phục các nhà lãnh đạo ASEAN rằng đối thoại “Tứ giác” Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ không chỉ vô hại với nguyên tắc “ASEAN là trung tâm”, mà còn có thể được mở rộng đến từng quốc gia Đông Nam Á thông qua quan hệ đối tác. Kể từ khi bốn nước Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ tái khởi động đối thoại an ninh bên lề EAS hồi năm ngoái, các nhà quan sát đã nhận thấy những rủi ro đối với việc “Bộ tứ” này được phục hồi. Một điều quan trọng là sự xuất hiện của cấu trúc an ninh “tiểu đa phương” trong khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương có thể được coi như là một minh chứng cho sự thất bại của các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực tại khu vực và duy trì một trật tự dựa theo nguyên tắc trên. Vì những mối lo ngại này, các quan chức thành viên “Nhóm Bộ tứ” đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo với ASEAN rằng sẽ không có nguy cơ rủi ro nào đối với vai trò trung tâm của ASEAN (ví dụ, các tuyên bố của cuộc họp ngày 7-6-2018 về cơ bản đã được đưa ra chỉ để ủng hộ nguyên tắc ASEAN là trung tâm).
Hướng tới tương lai
Khi các nỗ lực hội nhập của ASEAN tiến triển, việc duy trì tính đoàn kết và vai trò trung tâm của khối vẫn là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là sau những bất ổn gia tăng trong bối cảnh địa chiến lược toàn cầu. ASEAN phải phát triển một cách tiếp cận cố kết đối với các vấn đề chiến lược chủ chốt và duy trì tính trung tâm của ASEAN thông qua sự ủng hộ đối với các cơ chế do ASEAN dẫn đầu. ASEAN cần phải thận trọng hơn khi cân nhắc các đề xuất mới và tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc định hình cấu trúc khu vực, luôn ghi nhớ các lợi ích kinh tế của ASEAN, cũng như định hình nền hòa bình và ổn định trong khu vực.
ASEAN cần cấp thiết củng cố sự phối hợp giữa các trụ cột và các lĩnh vực nhằm tăng cường hiệu quả các nỗ lực xây dựng cộng đồng, và công tác này đang được tiến hành (khuyến khích mạnh mẽ việc nhanh chóng cử các quan chức phi ngoại giao tới các phái đoàn thường trực ASEAN tại Jakarta, Indonesia, để làm sâu sắc hơn nữa và tăng cường hiệu quả công tác cũng như sự phối hợp trên cả 3 trụ cột của cộng đồng). Một vấn đề quan trọng khác đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức là phải đảm bảo tính toàn diện trong cộng đồng ASEAN, trong đó có việc hỗ trợ tất cả các tầng lớp nhân dân được tiếp cận các lợi ích của việc là một phần trong Cộng đồng ASEAN về hòa bình và an ninh cũng như phúc lợi xã hội và kinh tế.
Theo thời gian, những nỗ lực này sẽ khắc sâu ý thức cộng đồng và cảm giác thân thuộc giữa người dân ASEAN với nhau. Do đó, các nước thành viên ASEAN cần đầu tư thời gian và công sức vào việc thúc đẩy và tăng cường nhận thức của người dân về Cộng đồng ASEAN cũng như can dự với các bên liên quan chủ chốt để đảm bảo sự tin tưởng và sự tham gia tích cực của người dân nhằm đạt được một Cộng đồng ASEAN thực sự hướng tới người dân và lấy nhân dân làm trung tâm.
Hồng Ngọc