Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

ASEAN cùng EU hiệp lực đẩy lùi Covid-19

Biên phòng - ASEAN và EU đã thắt chặt tinh thần đoàn kết, cùng hiệp lực để kiềm chế tối đa tác động của dịch bệnh, đặc biệt là định hình những biện pháp duy trì cũng như khôi phục kinh tế - xã hội sau “cơn địa chấn” Covid-19.

1iyu_26a
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jarkata, Indonesia. Ảnh: ASEAN 

Mối nguy chung

Nhiều quốc gia tại châu Âu đang phải trải qua bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tác động của đại dịch cũng đang khiến cả thế giới đứng trước nguy cơ đối diện với những đợt khủng hoảng kinh tế, trong đó, châu Âu được dự báo là khu vực chịu tổn thương nặng nề. Tính đến ngày 27-3, toàn châu Âu đã vượt mốc 250 nghìn ca nhiễm Covid-19, trong đó, riêng Italia và Tây Ban Nha đã chiếm tới hơn một nửa. Số lượng ca tử vong tại châu Âu chiếm hơn một nửa số ca của cả thế giới.

Italia đang là quốc gia đứng đầu tại châu Âu với trên 80 nghìn ca nhiễm, trên 8,2 nghìn ca tử vong. Số người tử vong tại Italia là cao nhất thế giới, bỏ xa vị trí thứ 2 là Trung Quốc có gần 3,3 nghìn ca tử vong. Dù là quốc gia ghi nhận sự lây lan Covid-19 tương đối muộn (ngày 31-1), nhưng chỉ trong vài tuần, dịch bệnh đã bùng phát chóng mặt khiến Italia trở thành quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch. Tiếp sau Italia là Tây Ban Nha với gần 58 nghìn ca nhiễm, trên 4,4 nghìn ca tử vong; Pháp có trên 29 nghìn ca nhiễm, hơn 1,7 nghìn ca tử vong; Đức có trên 44 nghìn nghìn ca nhiễm, hơn 270 ca tử vong... Theo giới chuyên gia y tế quốc tế, Italia đang trở thành một trong những “ổ dịch” lớn hàng đầu của thế giới và thực tế là đã lây lan sang hàng chục quốc gia khác. Giới chuyên gia kinh tế thì cho rằng, đại dịch tại Italia và một số quốc gia châu Âu đang đẩy khu vực này tiến đến bờ vực của một cuộc suy thoái, nếu không có những biện pháp đủ mạnh để kiềm chế và khôi phục.  

ASEAN được xem là khu vực đầu tiên chịu sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trước những nỗ lực kịp thời, trong số 650 triệu dân của toàn khối, tỷ lệ nhiễm Covid-19 tại khu vực vẫn dưới 0,001%. Trong đó, tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 2,07%, số ca được chữa khỏi chiếm 12%. Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp từng ngày và đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ hơn và những hành động quyết liệt hơn nữa. Đây cũng là khuyến cáo của WHO đối với ASEAN. Trên thực tế, Myanmar và Lào là 2 quốc gia trong khối ASEAN từng được xem là “miễn nhiễm” với Covid-19 nhờ áp dụng biện pháp mạnh ngay từ khi bệnh dịch manh nha xuất hiện, nhưng từ ngày 24-3, cả 2 quốc gia này đều đã ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Malaysia, Indonesia, Philippines lần lượt là những quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất trong khối ASEAN. Đồng thời, 3 quốc gia này liên tục ghi nhận những kỷ lục tăng ca nhiễm mới trong những ngày gần đây. Tính đến ngày 27-3, Malaysia có 2.031 ca nhiễm, gồm 23 ca tử vong; Indonesia có 893 ca nhiễm, gồm 78 ca tử vong; Philippines có 707 ca nhiễm, gồm 45 ca tử vong. Singapore cũng đang đối diện với mối lo ngại về các ca bệnh “nhập khẩu” dịch Covid-19 từ các nước phương Tây với 683 ca nhiễm, gồm 2 ca tử vong. Thái Lan đang trở thành “điểm nóng” mới tại ASEAN với 1045 ca nhiễm, gồm 4 ca tử vong; quốc gia thu hút du lịch bậc nhất trong khối ASEAN này đã bắt triển khai tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 26-3 và kéo dài trong 1 tháng.

Còn ở Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cả nước đã và đang nỗ lực không ngừng vượt qua những giai đoạn khó khăn. Số ca nhiễm hiện vẫn ở mức thấp và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chống dịch Covid-19. Đến ngày 27-3, ghi nhận 153 ca nhiễm, không có ca tử vong.

Không thể đơn lẻ

Tại Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN - EU về hợp tác ứng phó dịch Covid-19, diễn ra vào cuối tuần qua tại thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, với kinh nghiệm từng đối phó với dịch SARS năm 2003, ASEAN đã chủ động triển khai các hành động nhanh chóng cả ở từng nước lẫn thông qua nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN. “ASEAN đã thúc đẩy cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN để nâng cao khả năng sẵn sàng và các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh và giảm thiểu các tác động. Những nỗ lực chung mà chúng ta đang triển khai ứng phó đại dịch này thể hiện một ASEAN thực sự “Gắn kết và chủ động thích ứng” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

6a7v_26b
Một bệnh nhân được chuyển đến trung tâm y tế ở Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AP

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chia sẻ 3 nhóm vấn đề ưu tiên hợp tác ASEAN - EU gồm: Tăng cường phối hợp chính sách, trao đổi thông tin, trợ giúp kỹ thuật và nguồn lực y tế phù hợp; đảm bảo sự an toàn và sự hỗ trợ tối đa cho các công dân của cả 2 khu vực; cân đối hài hòa giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội do dịch bệnh gây ra.

Hội nghị đặc biệt chú trọng tới việc hợp tác trong hỗ trợ y tế; chẩn đoán, ngăn ngừa lây lan cũng như chia sẻ phương pháp điều trị; nghiên cứu phát triển thuốc, vắc xin... Cùng với đó, ASEAN và EU cùng nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nỗ lực duy trì các hoạt động thương mại, đầu tư với tầm nhìn dài hạn giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh, cũng như khôi phục đà phát triển sau đại dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một trong những nội dung quan trọng nhất là việc hỗ trợ điều trị, đảm bảo y tế cũng như tạo điều kiện hồi hương cho công dân của EU và ASEAN. 

ASEAN và EU là những đối tác hàng đầu về thương mại, đầu tư và du lịch. Trước “kẻ thù chung” của nhân loại là đại dịch Covid-19, ASEAN và EU đang cùng nhau hành động và phối hợp các biện pháp chính sách để giảm thiểu sự gián đoạn chuỗi cung ứng, từng bước khôi phục kinh doanh và du lịch trở lại bình thường, ngăn ngừa suy giảm sức cầu và các tác động dây chuyền đến các lĩnh vực khác trong nền kinh tế và đời sống xã hội.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO