Biên phòng - Mới đây, tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55), với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN và Ngoại trưởng các nước ASEAN.

Hội nghị diễn ra trong thời điểm kỷ niệm chặng đường 55 năm phát triển ASEAN với những thành tựu vượt ngoài kỳ vọng. Những năm qua, ASEAN đã luôn giữ vững giá trị là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, là hình mẫu về sự hợp tác, phát triển và tin cậy.
Thống nhất trong đa dạng, gắn kết, bao trùm
Theo đánh giá của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay ghi nhận nhiều biến động với những diễn biến khó lường, ngày càng gia tăng thêm thách thức, tác động đa chiều.
Nổi cộm nhất có thể kể đến như đại dịch Covid-19, căng thẳng giữa các nước lớn, xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới. Cùng với đó, các thách thức phi truyền thống khác cũng đặt ra hàng loạt thách thức đan xen cho quốc tế, như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai...
Trước những thách thức này, hơn lúc nào hết, ASEAN cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa sự đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, nỗ lực xây dựng một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, gắn kết, bao trùm.
Với tinh thần “ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, ASEAN đã và đang thể hiện quyết tâm cùng vượt qua khó khăn, đặc biệt là thúc đẩy phục hồi hậu Covid-19, thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đối với các đối tác, thời gian gần đây, ASEAN ghi nhiều dấu ấn trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ.
Cũng theo Thủ tướng Campuchia, hiện nay, ASEAN cần tăng cường phối hợp ứng phó với biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, cân nhắc xây dựng một Thỏa thuận Xanh ASEAN, khai thác tối đa tiềm năng và lợi ích của Hiệp định RCEP.
Tại hội nghị, bộ trưởng các nước đã tích cực thảo luận về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng. Đồng thời, nhất trí rằng, ASEAN cần phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, hành động thống nhất và phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống. Các bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh các nỗ lực phục hồi, một nhiệm vụ quan trọng là hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine, củng cố hệ thống y tế.
Trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, các nước cần tiếp cận cân bằng, có tiếng nói chung, phát huy hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đề cao đối thoại, thúc đẩy tin cậy và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Quy tụ sức mạnh bao trùm
Một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận tại hội nghị là một số vấn đề đang nổi lên tại khu vực, đặc biệt là những diễn biến mới trên Biển Đông, trong cạnh tranh nước lớn, xung đột Ukraine và bán đảo Triều Tiên.
Các nước ASEAN kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh hành động gây phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tinh thần và nguyên tắc các văn kiện chung như Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), UNCLOS...
Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn khuyến khích các nước kiên trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông, phấn đấu duy trì môi trường thuận lợi cho COC hiệu lực và hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề quốc tế cũng như khu vực, xung đột tại Ukraine, cạnh tranh nước lớn, các diễn biến phức tạp tại khu vực và trên thế giới.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Ngoại trưởng các nước đối tác ASEAN, gồm: Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta; Bộ trưởng Thương mại quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng; Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Amanda Milling. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng các nhà lãnh đạo trao đổi thúc đẩy hợp tác và phối hợp lập trường tại các hội nghị.
Tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng New Zealand, hai bộ trưởng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, triển khai các cơ chế thường niên; đưa hợp tác kinh tế đạt tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược; khôi phục các lĩnh vực hợp tác như giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19...
Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn New Zealand đã hỗ trợ Việt Nam 2 triệu đôla New Zealand (1,2 triệu USD) để phục hồi. Bộ trưởng Nanaia Mahuta khẳng định, New Zealand sẽ duy trì chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các suất học bổng cho Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác tại Mekong.
Hai bộ trưởng thảo luận thêm về phương hướng phối hợp tại các diễn đàn của ASEAN. Bộ trưởng Nanaia Mahuta mời Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm New Zealand và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ nhất.
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Mary Ng của Canada, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tăng cường hợp tác trong các cơ chế khu vực, trong đó có diễn đàn khu vực ASEAN, hỗ trợ Mekong phát triển bền vững... Đồng thời bày tỏ mong muốn, Canada hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, viện trợ phát triển và các doanh nghiệp Canada tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ, hai bộ trưởng nhất trí triển khai nhiều biện pháp, trong đó có tăng cường tiếp xúc cấp cao, triển khai các cơ chế đối thoại song phương, tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai bộ trưởng cũng trao đổi thêm về các biện pháp hỗ trợ Canada tham gia hiệu quả hơn vào hợp tác khu vực.
Hội đàm với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ vào năm 2023.
Đồng thời đề nghị Anh ủng hộ Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), hỗ trợ Việt Nam về tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị; mong muốn các doanh nghiệp Anh đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng, dược phẩm, công nghệ thông tin, khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng,... Về phần mình, bà Amanda Milling nhất trí đây sẽ là những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.
Theo giới chuyên gia quốc tế, một trong những điểm nhấn đáng chú ý của hội nghị là ký kết văn kiện mở rộng TAC cho Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar. Cùng với đó, thành công của Hội nghị ASEAN+1 và Hội nghị ASEAN+3 cũng đã phản ánh rằng, ASEAN đang hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, thích ứng, không chỉ quy tụ sức mạnh nội khối mà từng bước mở rộng sức mạnh bao trùm trên khắp thế giới.
Thanh Trúc