Biên phòng - Hằng năm, khu vực Đông Nam Á luôn phải trải qua nhiều loại hình thiên tai như giông bão, lũ lụt, động đất, sạt lở, cháy rừng, dịch bệnh… ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân cũng như nền kinh tế của các nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các thảm họa tự nhiên tại ASEAN đang có xu hướng tiếp diễn với cường độ ngày càng lớn.

Năm 2019 - ASEAN hứng chịu 188 thảm họa tự nhiên
Chỉ tính riêng trong năm 2019, tại các nước ASEAN đã xảy ra 188 thảm họa tự nhiên, trong đó, phải kể đến các trận mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất tại Indonesia, Philippines, Myanmar và Việt Nam. Cũng trong năm 2019, các nước trong khu vực sông Mekong đã chứng kiến đợt hạn hán kéo dài dẫn tới khan hiếm nguồn nước và mất mùa.
Đầu năm ngoái, các đợt lũ lớn và sạt lở đất xảy ra trên đảo Sulawesi, Indonesia đã khiến 68 người thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương và gần 7.000 người phải sơ tán nhà cửa. Theo Cơ quan Giảm thiểu thiên tai Indonesia, các trận mưa lớn cũng đã nhấn chìm hơn 5.000 ngôi nhà, phá hủy hàng chục cây cầu, trường học... Đến tháng 3-2019, các đợt mưa lớn kéo theo lũ tại miền Đông Indonesia khiến 2 người thiệt mạng.
Mưa lớn không chỉ hoành hành tại Indonesia, trong tháng 7 và 8-2019, đợt lũ kỷ lục do mưa lớn đã khiến hơn 30.000 gia đình tại 8 khu vực và tiểu bang tại Myanmar phải sơ tán. Cùng với đó, lực lượng quân đội và cứu hộ của Myanmar đã được điều động tối đa để hỗ trợ người dân khi lũ lụt và sạt lở đất đã khiến hơn 50 người thiệt mạng. Cuối năm 2019, miền Bắc Philippines cũng phải trải qua đợt lũ được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các đợt mưa to kéo dài cùng cơn bão Kammuri đã khiến nước sông dâng cao gây vỡ đê và sạt lở đất buộc 66.000 người Philippines phải rời nhà cửa sơ tán khẩn cấp. Còn tại Việt Nam, trên khắp các miền đều xảy ra các loại thiên tai và 12 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3 với 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới làm 133 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh các đợt bão lũ, tại khu vực hạ nguồn Mekong, lượng mưa thấp và nhiệt độ tăng cao bất thường khiến lượng nước bốc hơi nhanh. Hiện nay, mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua, nhiều khúc sông chảy qua 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam có thể nhìn thấy tận đáy kể từ tháng 6 năm ngoái. Nghiêm trọng hơn, tình trạng xâm nhập mặn đã diễn ra từ tháng 12-2019 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long gây nguy cơ thiệt hại cho khoảng 332.000ha lúa, 136.000 ha cây ăn quả và gây thiếu nước sinh hoạt cho 158.900 hộ dân.
Đặc biệt, các trận động đất mạnh cường độ 6,4 độ Richter tại vùng Tây Bắc Lào (tiếp giáp với miền Bắc Thái Lan) hồi tháng 11-2019 đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, đường sá và các công trình dân sinh. Các trận động đất này đã gây ra một số rung chấn tới thành phố Hà Nội, Việt Nam và Bangkok, Thái Lan. Các trận động đất xảy ra tại quốc gia hiếm khi có loại hình thiên tai này đã đưa ra hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu. Điều này đặt ra những thách thức đòi hỏi các nước ASEAN cần tăng cường nỗ lực hợp tác dự báo, ứng phó, giảm thiểu rủi ro và tái thiết sau thảm họa thiên tai.
Hợp tác phòng chống thảm họa thiên tai trong ASEAN
Mới đây, tại Thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra Hội nghị chuyên đề cấp cao về quản lý thiên tai ASEAN. Hội nghị đã đánh giá về các thảm họa phổ biến, trao đổi về các chính sách thảm họa tại Đông Nam Á, các biện pháp nâng cảnh báo sớm và ứng phó thảm họa qua công nghệ, xử lý, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, tăng cường năng lực tái thiết cộng đồng...
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh, trước diễn biến của thiên tai ngày một phức tạp, ASEAN cần tiếp tục hợp tác và thúc đẩy cơ chế trong khu vực. Đồng thời, ông Dato Lim Jock Hoi khẳng định, các tuyên bố của ASEAN về khủng hoảng cháy rừng tại Australia và Tuyên bố của hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch Covid-19 cho thấy, các nước ASEAN sẵn sàng cam kết hợp tác để đảm bảo cho người dân. Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025, để trở thành khu vực lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, theo ông Dato Lim Jock Hoi, ASEAN cần có các biện pháp tiếp cận sáng tạo hơn nhằm củng cố và đa dạng hóa nguồn tài trợ.
Những năm qua, ASEAN đã có những cơ chế nhằm quản lý, khắc phục hậu quả do thảm họa thiên nhiên gây ra. Trong đó, vào năm 2016, ASEAN đã thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA). Năm 2019, cùng với sự trợ giúp của Brunei, Philippines và Australia, AHA đã hỗ trợ nỗ lực phục hồi của Chính phủ Indonesia sau động đất và sóng thần xảy ra năm 2018. Theo đó, AHA đã xây dựng 75 ngôi nhà vững chắc tại đảo Palu, miền Trung Sulawesi, Indonesia. Ngoài ra, ASEAN cũng đã có Mạng lưới thông tin thiên tai ASEAN nhằm chia sẻ, cập nhật dữ liệu về tất cả các thảm họa, thiên tai đang diễn ra trong khu vực.
Đồng thời, một loạt các cơ chế đã được ASEAN thiết lập nhằm cứu trợ cho các nước trong khu vực gặp thiên tai, thảm họa như Nhóm đánh giá và ứng phó khẩn cấp (ERAT), xây dựng Hệ thống hậu cần khẩn cấp thiên tai cho ASEAN (DELSA) và Quy chế vận hành chuẩn mực cho các Hiệp định khu vực về giảm nhẹ và ứng phó khẩn cấp (SASOP). Bên cạnh đó, nhằm triển khai “Tuyên bố chung ASEAN về một ASEAN, một phản ứng”, lực lượng đặc nhiệm chung của ASEAN đã được thành lập để hỗ trợ các nước trong khu vực khi thảm họa xảy ra. Để bảo vệ người dân trước những thiệt hại về kinh tế do thảm họa gây ra, các quốc gia ASEAN đã ký biên bản ghi nhớ thành lập Quỹ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIFT).
Sự hợp tác của ASEAN nhằm ứng phó với thảm họa thiên tai đã giúp củng cố thêm cam kết xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực. Nhờ những cơ chế đã được thiết lập về quản lý và ứng phó với thảm họa thiên tai, khi các nước trong ASEAN chịu ảnh hưởng trong thiên tai có thể kêu gọi và tin tưởng vào sự hỗ trợ của các nước thành viên.
Thu Minh