Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 03:19 GMT+7

ASEAN chung sức giải quyết thực chất các thách thức

Biên phòng - Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện hữu nhiều bất ổn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phát huy vai trung gian tin cậy, khuyến khích các đối tác tham gia, đóng góp xây dựng vào tăng cường hợp tác được xem là “kim chỉ nam” của khu vực. Điều này cũng được khẳng định tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN vào đầu tháng này tại Thủ đô Jakarta của Indonesia.

Các Bộ trưởng Ngoại giao mặc áo batik truyền thống của Indonesia, chụp ảnh chung tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2023. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Cởi mở, thực chất, cùng giải quyết thách thức

Thông qua thảo luận cởi mở, thực chất về nhiều vấn đề quốc tế và khu vưc, ngoại trưởng các nước ASEAN cùng hoan nghênh những tiến triển gần đây trong quan hệ đối ngoại của khối, đồng thời thể hiện sự coi trọng và mong muốn của các nước thúc đẩy, nâng cấp quan hệ với ASEAN thông qua nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất.

Các ngoại trưởng ASEAN cùng cho rằng, khu vực và thế giới đang chứng kiến nhiều biến động, bất ổn, cũng như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, phức tạp. Thực tế này đòi hỏi ASEAN phải phát huy vai trò trung gian tin cậy, khuyến khích các đối tác tham gia, đóng góp xây dựng vào hợp tác khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, cùng nhau giải quyết các thách thức chung.

Một trong những nội dung quan trọng được các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh là thực tế nhu cầu nâng cao hiệu quả của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đề cao đối thoại, tham vấn, góp phần xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế. Cùng với đó, các ngoại trưởng thống nhất nhận định, tình hình khu vực và quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Trước những vấn đề này, các ngoại trưởng ASEAN đã thẳng thắn chia sẻ các quan điểm và đánh giá trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm.

Theo đánh giá của bà Retno Marsudi - Ngoại trưởng Indonesia, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này tiếp tục thảo luận thực chất và đạt được những kết quả tích cực. Một trọng tâm đặc biệt là đánh giá kết quả thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC) về vấn đề Myanmar; các vấn đề khu vực và quốc tế; quan hệ ASEAN với các đối tác.

Trong vấn đề Myanmar diễn biến phức tạp, Chủ tịch ASEAN năm 2023 Indonesia đã đề cập sâu sắc đến tiến trình thực hiện 5PC, đồng thời nhấn mạnh 5PC có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự thống nhất của ASEAN trong vấn đề này. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tái khẳng định cách tiếp cận thống nhất trong thực hiện 5PC nhằm thúc đẩy sớm giải quyết vấn đề Myanmar.

Đề cập tới vấn đề triển khai trụ cột Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), ngoại trưởng các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, đồng thời nhất trí triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cam kết sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Ngoại trưởng Indonesia cho biết, nước này sẽ chủ trì đàm phán COC với cuộc họp đầu tiên vào tháng 3/2023. Các ngoại trưởng ASEAN cũng thống nhất đánh giá, rà soát các dự án cụ thể trong khuôn khổ AOIP, nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin với các đối tác, cùng hợp tác trên cơ sở cùng hướng tới lợi ích của các bên. ASEAN cũng sẽ tăng cường xây dựng Triển vọng hàng hải ASEAN.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành ngoại giao của Indonesia cũng khẳng định, các thành viên ASEAN đều ủng hộ ý định của Chủ tịch ASEAN năm 2023 về việc triệu tập một số sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thực hiện AOIP. ASEAN sẽ thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong khu vực và quốc tế trên cơ sở thực chất, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác được các ngoại trưởng thảo luận cởi mở là “Các vấn đề ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng”. Các thành viên ASEAN thống nhất những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hướng tới những kết quả tích cực. ASEAN sẽ mở rộng quỹ ứng phó Covid-19 thành quỹ ứng phó ASEAN cũng như tập trung nguồn lực nhằm xây dựng Khung kinh tế xanh ASEAN.

Việt Nam thúc đẩy hình ảnh, uy tín và vị thế của ASEAN

Theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tại hội nghị này, ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa với các đối tác, phát huy hiệu quả và giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, thúc đẩy xây dựng lòng tin và hiểu biết, cùng hợp tác ứng phó các vấn đề đang nổi lên. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các sáng kiến ở khu vực cần xuất phát từ thiện chí hợp tác, bổ sung và tương hỗ cho các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cùng đóng góp vào mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển. Đề cập tới những biến động khó lường ở khu vực và quốc tế, người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam chia sẻ quan ngại chung và đặc biệt nhấn mạnh, ASEAN cần duy trì đoàn kết, tự cường và linh hoạt thích ứng, củng cố nội lực, phát huy vai trò trung tâm.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh, ASEAN cần kiên trì, củng cố lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, hướng tới trật tự hàng hải khu vực dựa trên luật lệ, bảo vệ hiệu quả lợi ích chính đáng của tất cả quốc gia ven biển. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thông báo kế hoạch của Việt Nam tổ chức một số cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC và kế hoạch tổ chức Ngày Hàn Quốc tại ASEAN.

Theo Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Việt Nam, Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo. Với việc khởi động sớm quá trình chuẩn bị tổng thể cho sự tham gia của Việt Nam trong cả năm 2023, Việt Nam đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại các hội nghị, thúc đẩy hợp tác ASEAN và với các đối tác, góp phần vào thành công chung. Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, phù hợp quan tâm chung của các nước và khu vực, trong đó có kế hoạch tổ chức một số hoạt động về thúc đẩy phục hồi bao trùm trong ASEAN, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, cũng như một số hoạt động hợp tác với các đối tác như Ngày ASEAN-Hàn Quốc, họp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC…

Trong tổng thể các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã nhấn mạnh ý nghĩa của một cộng đồng thực sự phục vụ người dân và vì lợi ích của người dân. Đồng thời đề nghị ASEAN chú trọng và dành nhiều quan tâm hơn tới hợp tác và phát triển đồng đều, bao trùm tại các tiểu vùng, góp phần bảo đảm người dân được thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của tiến trình xây dựng cộng đồng.

Chia sẻ quan ngại chung về các biến động phức tạp và khó lường, Việt Nam cũng chủ động nêu quan điểm, lập trường của Việt Nam về nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến ASEAN và hòa bình, an ninh ở khu vực. Những chia sẻ của Việt Nam về Biển Đông, Myanmar… được đánh giá cân bằng, xây dựng, thúc đẩy các giá trị đối thoại, hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, vừa củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN. Những đóng góp tích cực của Việt Nam trong nhiều quyết định quan trọng của ASEAN đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao thêm một bước hình ảnh, uy tín và vị thế của ASEAN ở khu vực và quốc tế.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO