Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

ASEAN cam kết chính trị về sự đoàn kết để “chiến thắng” dịch Covid-19

Biên phòng - Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và ASEAN+3 đưa ra các biện pháp chung và cụ thể để tăng cường năng lực ứng phó với Covid-19, đảm bảo sự phát triển bền vững, dài hạn. Các nước đã đưa ra cam kết chính trị cao nhất về sự đoàn kết, hợp tác và tương trợ trên mọi lĩnh vực để nâng cao sức mạnh đẩy lùi Covid-19.

7shu_26
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh. Ảnh: VGP

Nâng tầm sức mạnh nhờ đoàn kết

Đầu tuần qua, khu vực ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh đoàn kết để ứng phó với đại dịch toàn cầu do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra thông qua 2 hội nghị trực tuyến đặc biệt về chủ đề này gồm Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). 

Đây là lần đầu tiên trong 50 năm kể từ khi hình thành, ASEAN phải tổ chức hội nghị cấp cao theo hình thức trực tuyến. Việc tổ chức 2 hội nghị này là sáng kiến của Việt Nam, thể hiện tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, giữ nhịp hợp tác của ASEAN và các đối tác trong bối cảnh dịch bệnh. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu, Nhật Bản đánh giá cao sự chủ động kêu gọi của Việt Nam về việc tổ chức hội nghị đặc biệt và rất cần thiết này. Điều này cũng thể hiện vai trò lãnh đạo ASEAN rất chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trước diễn biến ngày càng phức tạp của Covid-19.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá, hiện nay, cần phải có kế hoạch dài hạn toàn diện và sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và phục hồi phát triển. Việc tổ chức 2 hội nghị này cho thấy, năng lực lãnh đạo của ASEAN và ASEAN+3 rất tốt khi có phản ứng kịp thời và hữu hiệu để bổ trợ các biện pháp mang tầm quốc tế. Đồng thời cho thấy, các nước đang thực sự đồng lòng, chung tay một cách quyết liệt.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ, “cơn bão” Covid-19 đang khiến cả thế giới vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Về quá trình 3 tháng chống đại dịch tại khu vực ASEAN, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá: “Các quốc gia thành viên ASEAN đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết và lớn hơn là sự hợp tác, phối hợp quốc tế là những thành tố thiết yếu hơn bao giờ hết”.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, nguyên thủ các nước thành viên cùng thống nhất rằng, nỗ lực chung của ASEAN đã mang lại kết quả tốt trong thời gian chống dịch vừa qua. Mặc dù các nước đều chịu tổn hại nghiêm trọng, nhưng số ca nhiễm và số người tử vong vẫn ở mức thấp hơn, tốc độ lây lan và gia tăng chậm hơn so với tình hình chung của thế giới. Cụ thể là trong 650 triệu dân ASEAN chỉ có khoảng 15 nghìn ca nhiễm. Hơn hết, hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh của ASEAN trong thời gian qua đã cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết và chủ động ứng phó trước hiểm họa nhân loại.

Bên cạnh ưu tiên hàng đầu của ASEAN là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các nước ASEAN cũng khẳng định rằng, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do Covid-19 gây ra cũng là ưu tiên quan trọng. Trong đó, ASEAN cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực bảo hộ công dân, cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là các gói hỗ trợ duy trì chuỗi cung ứng nội khối. Mặc khác, các nước ASEAN cũng đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch bệnh như: Nâng cao khả năng ứng phó với tác động mạnh từ bên ngoài; tăng cường thương mại; thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế; triển khai các biện pháp kích cầu...

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, ASEAN đã ủng hộ các đề xuất rất thiết thực của Việt Nam để nâng tầm sức mạnh tập thể như: Xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung; sáng kiến tổ chức diễn tập trực tuyến của Quốc phòng về ứng phó dịch bệnh khẩn cấp; lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19, lập kho dự phòng vật tư y tế; lập Nhóm công tác đặc trách của các quan chức cao cấp thông tin ASEAN về chống tin giả...

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Trong thời điểm u ám, khó khăn này đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn”.

Phát huy hiệu quả, tiếp đà động lực

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vốn có truyền thống hợp tác tốt đẹp với hiệu quả đã được chứng minh xuyên suốt quá trình dài. Trước kẻ thù chung hiện nay là Covid-19, tinh thần đó càng phải được phát huy. Đặc biệt là vai trò của 3 nước đối tác là rất quan trọng, đồng thời, cả 3 nước đối tác này đều có bài học kinh nghiệm quý báu và rất hữu ích trong cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua.

Cũng tại hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới  (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng lãnh đạo các nước ASEAN thống nhất thúc đẩy hợp tác mạnh hơn, cùng nhau đưa ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đảm bảo sự phát triển bền vững và dài hạn, ngay cả sau khi vượt qua dịch bệnh. Đồng thời, các nước ASEAN+3 cam kết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chính sách, liệu pháp y tế, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị vật tư y tế, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19...

Các nhà lãnh đạo ASEAN+3 cũng chú trọng tới việc tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nghiên cứu các khuyến nghị chính sách ứng phó kịp thời với rủi ro suy thoái, hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trong đó, cam kết duy trì thị trường mở, sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đa dạng hóa kết nối nguồn cung trong và ngoài khu vực, bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu,...

Tại 2 hội nghị, các nhà lãnh đạo tiếp tục đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam trong vai trò lãnh đạo ASEAN trong bối cảnh đại dịch. Đồng thời, đánh giá cao những điều kỳ tích hiếm có nước nào đạt được như Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO