Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 12:23 GMT+7

APPF-26 thành công tốt đẹp và ra Tuyên bố chung Hà Nội

Biên phòng - Chiều 20-1, Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân. Sau 3 ngày làm việc trong bầu không khí hữu nghị, hiểu biết và tin cậy, trách nhiệm, APPF-26 đã hoàn thành nội dung các phiên thảo luận toàn thể, trao đổi ý kiến thẳng thắn về những vấn đề cùng quan tâm chung đảm bảo an ninh chính trị, tự do thương mại, biến đổi khí hậu… của khu vực và trên thế giới.

waqz_a1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại lễ bế mạc APPF-26. Ảnh: Quốc Khánh 

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thành công của APPF-26 là đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương”. Kế thừa các bản tuyên bố dấu ấn khác của APPF, Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển.

Tuyên bố Hà Nội đã điểm lại những thành tựu nổi bật của APPF, kiên trì thực hiện mục tiêu chung góp phần thúc đẩy mạnh hợp tác và đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. APPF đã đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế toàn cầu và khu vực, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...

Tuyên bố cũng đã đưa ra một bức tranh phát triển hiện nay của khu vực và quốc tế, trong đó có những thay đổi căn bản, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cùng những tác động hết sức sâu rộng. Trong bối cảnh đó, hội nghị đã nhận định tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện, đề ra những nhiệm vụ mà APPF cần phải thực hiện, cũng như thúc đẩy APPF triển khai các hành động nhằm mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

Trong giai đoạn tới, APPF cần phải tiếp tục đổi mới nội dung nghị sự, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thể chế đa phương, như: APEC và các cơ chế hợp tác khác. “Trong tiến trình đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, cùng APPF và nghị viện các nước để hiện thực hóa tầm nhìn mà chúng ta đã đề ra để đưa các khuyến nghị, nghị quyết của APPF trở thành hành động cụ thể”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

zdsf_a2
Đoàn đại biểu Việt Nam ký Tuyên bố Hà Nội. Ảnh: Quốc Khánh

Thay mặt cho Quốc hội Campuchia, chủ nhà của APPF-27, ngài Tep Ngorn, Phó Chủ tịch Thượng viện Campuchia cho rằng, thành công của APPF -26  thể hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm của tất cả các nghị viện thành viên. Nhấn mạnh niềm vinh hạnh khi được các thành viên giao cho trọng trách chủ nhà APPF-27, ngài Tep Ngorn khẳng định Quốc hội Campuchia đủ năng lực tổ chức và sẽ làm hết sức mình để APPF-27 được thành công tốt đẹp, đáp ứng mong mỏi của các nghị viện thành viên, góp phần xây dựng một khu vực châu Á – Thái Bình Dương đoàn kết, hòa bình và ổn định.

Cũng trong chiểu 20-1, APPF -26, đã có Phiên họp toàn thể 3 với chủ đề "Hợp tác chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương". Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017 nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua.

Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn), khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường về thời tiết, thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0,5 - 2 độ C.

0y8m_a3
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên họp chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Quốc Khánh.

Để nỗ lực hạn chế và khắc phục hậu quả, phòng ngừa các tác nhân có hại do biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các điều ước quốc tế, công ước, nghị định thư và thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Các quốc gia thành viên cần phải làm cho toàn xã hội và từng người dân đều hiểu và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn, cần có các giải pháp huy động nguồn tài chính, tăng cường đối tác công tư và rất cần vai trò của các chế định tài chính quốc tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các quốc gia cần có sự chung tay, chia sẻ trong quá trình phát triển; hỗ trợ nhau về tài chính, tri thức, kinh nghiệm. Các Chính phủ cần thúc đẩy hợp tác, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, hình thành các cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các bên.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận vào các nội dung trọng tâm: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; các nguồn lực cho phát triển bền vững; Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực. Tổng Thư Ký Liên minh nghị viện Thế giới (IUP) Maritin Chungong nhấn mạnh, IPU sẵn sàng tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác nghị viện trong khuôn khổ lớn hơn tại IPU, nhằm tăng cường thể chế và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các nước trong ứng phó biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và cùng chung tay vào thực hiện các biên pháp chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, ông Geng Tan đại biểu đoàn nghị viện Canada khẳng định, biến đổi khí hậu đang là một thách thức lớn mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ 21. Để giảm thiểu những hệ lụy gây ra bởi khí hậu bất thường, cần có một sự hợp lực giữa các quốc gia trên thế giới vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thực thi những thỏa thuận đã đạt được như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng cần được các nước quan tâm.

Viết Hà

Bình luận

ZALO