Biên phòng - Ngày 28-9, tại Thừa Thiên Huế đã diễn ra lễ khai mạc “Diễn đàn Doanh nhân nữ” trong khuôn khổ "Đối thoại Công - Tư về Phụ nữ và Kinh tế” của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017). Đây là một hoạt động của Hội nghị Đối tác Chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE) của APEC với sự tham gia của 500 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Lakshmi Puri, Phó tổng Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết: “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là khoản đầu tư hứa hẹn nhất, tiềm năng và đem lại lợi nhuận cao nhất. Đây là một khoản đầu tư đúng đắn, thông minh và hết sức cần thiết để xóa đói giảm nghèo; tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và nhanh chóng; giảm bất bình đẳng và không bỏ lại ai phía sau, đem lại sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Trong những năm qua, các nền kinh tế APEC đã có những nỗ lực nhằm thúc đẩy sự trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Mặc dù tiến độ có khác nhau, nhưng nhiều quốc gia vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức về giới. Ví dụ, có tới 75% phụ nữ tham gia vào việc làm phi chính thức ở các nước APEC và thường dễ bị tổn thương do thiếu tiếp cận với bảo trợ xã hội. Có rất ít các nền kinh tế thành viên APEC có hơn 50% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bà Lakshmi Puri nhấn mạnh: "Sự phân biệt đối xử có tính hệ thống với phụ nữ đã hạn chế sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của họ vào nền kinh tế, nhưng khi phụ nữ có thu nhập ổn định và tự chủ kinh tế, họ có cơ hội tốt hơn để thực hiện nhiều quyền xã hội, chính trị và kinh tế”.

Diễn đàn bao gồm 4 phiên họp chính: Sự tham gia kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ - động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm; nữ doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy doanh nghiệp nữ trong kỷ nguyên số và xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng phụ nữ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Khánh Ngọc