Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 11:31 GMT+7

APEC 2017 sẽ tạo ra được làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam

Biên phòng - Lãnh đạo và đại diện của 21 nền kinh tế lớn đã có mặt tại APEC, trong đó có những cường quốc hàng đầu thế giới. Những chủ đề và mục tiêu mà Việt Nam đưa ra tại các hội nghị trong khuôn khổ Năm APEC 2017 đã được các nước đánh giá là sát với tình hình thực tế. Đó là nội dung được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

9me2y3wj5i-70865_21039359742119567488_1_ph_th_tng
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 trả lời báo chí. Ảnh: Lê Văn Chương

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng, đã thành công từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất, tuyên truyền, an ninh, trên mọi mặt. 

Đối với diễn đàn APEC, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng nhất là giúp cho APEC tiếp tục giữ vững đà hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy vai trò là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, duy trì giá trị cốt lõi của APEC là tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. 

Trong toàn bộ 243 hoạt động mà nước ta tổ chức trong năm APEC có hơn 21.000 đại biểu tham dự, riêng Tuần lễ Cấp cao là khoảng 11.000 người. Đây là con số đông đảo nhất những năm gần đây. Những con số này nói lên sự quan tâm to lớn của thế giới và khu vực đối với APEC và Tuần lễ Cấp cao. 

Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Lần đầu tiên APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, và khởi nghiệp sáng tạo. 

Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC tiến hành đối thoại với lãnh đạo của tất cả mười thành viên ASEAN. Thông qua đó nhằm tăng cường phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Thực tế, trong nhiều thời điểm thách thức trong năm qua, các thành viên ASEAN đã càng chứng tỏ sự đoàn kết, thể hiện vai trò nòng cốt, góp phần thúc đẩy các giá trị và đồng thuận cao của APEC. 

Trả lời câu hỏi về lợi ích thiết thực nào đối với Việt Nam thông qua APEC, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Nước chủ nhà Việt Nam chúng ta đã đạt được tất cả các mục tiêu lớn đã đề ra, đó là: nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế; tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nền kinh tế APEC; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC; quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam. 

Việt Nam đã ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác có tổng trị giá gần 20 tỷ USD. Nhiều bè bạn, đối tác, trong đó có Nga, Trung Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đã các nhiều hình thức trợ giúp, với tổng trị giá khoảng 9 triệu USD, dành cho bà con ở các tỉnh miền Trung đã trải qua những mất mát do cơn bão số 12 gây ra. Đây là những sự động viên kịp thời, đầy tình nghĩa bạn bè, tương thân tương ái. 

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam có khoảng 2.200 doanh nghiệp tham dự, trong đó khoảng 850 doanh nghiệp Việt Nam. Có hơn 80 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp đã được tiến hành. 

Thông qua APEC, các nền kinh tế khu vực đã được tiếp cận và hiểu về sự năng động và đối mới của kinh tế Việt Nam. Từ đó chúng ta hy vọng sẽ tạo ra được làn sóng đầu tư, thương mại, du lịch mới vào Việt Nam. Các chương trình văn hóa, quảng bá Việt Nam với APEC và thế giới với Việt Nam, như Công viên APEC tại Đà Nẵng, đã cho thấy một Việt Nam giàu truyền thống và đổi mới, sáng tạo. 

APEC là diễn đàn đa phương lớn nhất có sự tham gia rộng rãi của các bộ, ngành và địa phương. Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương, thông qua đó đã trưởng thành về năng lực điều hành, tổ chức, khả năng ngoại ngữ. APEC 2017 đã tạo cơ sở hình thành, phát triển văn hóa hội nhập phục vụ thời kỳ đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập sâu rộng của đất nước và hình thành một thế hệ mới có tình cảm đối với Việt Nam. 

Trong bối cảnh rất khó khăn của năm nay, việc ta thúc đẩy được liên kết kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và đầu tư, duy trì cam kết của APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương là một thành công lớn. 

jecd9k3aiu-70865_2085723078864939241_2_cc_nh_lnh_o
Thông qua APEC sẽ tạo ra được làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Ảnh: Lê Văn Chương

Chúng ta đã điều hòa khác biệt giữa các thành viên, tạo không khí hợp tác, xây dựng, tạo đồng thuận chung. Chúng ta tìm ra điểm đồng để định hướng thảo luận, hợp tác của các thành viên, điển hình là việc đề xuất các sáng kiến về thúc đẩy phát triển bao trùm, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020. Đây là hai vấn đề mới, song được tất cả thành viên nhất trí thúc đẩy. 

Chúng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh Việt Nam trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện. Vị thế đất nước, sức mạnh mềm của Việt Nam thực sự đã giúp chúng ta điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC; đồng thời, thành công APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh mềm của đất nước. 

Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao do Việt Nam chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, súc tích, mang tầm chiến lược, và có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, mà trước đó Hội nghị G-20 cũng không đạt được. 

Trọng trách chủ nhà APEC 2017 những năm tiếp theo còn nặng nề. Chúng ta phải cùng Papua New Guinea thúc đẩy tiếp các sáng kiến của năm nay, tham gia Nhóm Tầm nhìn APEC để đóng góp cho chính sách APEC đến năm 2030. Đây cũng chính là góp phần quan trọng triển khai định hướng đối ngoại đa phương nước ta đến năm 2030, mà một trọng tâm là tham gia, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có APEC. 

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO