Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

APEC 2017 đã nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam

Biên phòng - Đánh giá này được đưa ra tại lễ tổng kết Năm APEC Việt Nam 2017 được tổ chức sáng 27-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội). Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 dự và phát biểu chỉ đạo.

chu-tich-apec
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ tổng kết Năm APEC 2017. Ảnh: TTXVN

Khai mạc buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Với Năm APEC 2017 thành công, chúng ta đã thực sự triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng về "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" với tư cách là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, qua đó "nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương".

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Là chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam đã dẫn dắt APEC tiếp tục đi đúng hướng, duy trì đà hợp tác và khẳng định những giá trị cốt lõi của APEC về tự do hoá thương mại và đầu tư, phát huy thành tựu hợp tác APEC, xác lập những định hướng hợp tác của APEC trên các lĩnh vực thiết thực với người dân và doanh nghiệp.

“APEC 2017 đã nâng cao rõ rệt vị thế quốc tế của Việt Nam. Qua việc chúng ta đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, điều phối và điều hành các hoạt động của APEC, cũng như qua việc tận mắt chứng kiến những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam, các đối tác thực sự đánh giá cao, tin tưởng vào vai trò, vị thế của Việt Nam và có cách nhìn mới về một đất nước Việt Nam năng động, bản lĩnh, hội nhập và sáng tạo. Đây là tiền đề để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước với những chủ trương và biện pháp hội nhập quốc tế tích cực, chủ động và sâu rộng hơn” -  Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, từ nội dung, văn kiện, tuyên truyền - văn hóa đến lễ tân, hậu cầu, an ninh và y tế, cả về đa phương và song phương, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Sự tham dự đông đủ của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp và phóng viên trong và ngoài nước là một thành công quan trọng, thể hiện sự quan tâm, coi trọng của khu vực và thế giới đối với Việt Nam và APEC. Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều đánh giá cao chủ nhà của Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, tạo động lực mới cho một tương lai chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu”.

Chủ tịch nước đánh giá, đây là thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm nay, góp phần nâng cao vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực; là mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam đối với châu Á - Thái Bình Dương. Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước, khẳng định năng lực chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của APEC về xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.

Những thành quả mà Năm APEC 2017 đạt được là minh chứng sinh động cho thắng lợi của thương mại tự do và mở, của hệ thống thương mại đa phương, tạo đà cho triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế thế giới. Đồng thời, thắng lợi này cũng thể hiện tính đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương xác định.

chup-anh-apec
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các thành viên Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam 2017. Ảnh: QĐND

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Thành công của Năm APEC 2017 còn đặt nền móng nâng tầm quan hệ song phương giữa nước ta với các đối tác. Tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua đề xuất chủ đề, các ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cách thức chủ trì điều hành các hội nghị, các cuộc đối thoại, gặp gỡ và quá trình thương lượng văn kiện một cách linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận để không chỉ giữ vững đà hợp tác và liên kết APEC, mà còn góp phần xây dựng tầm nhìn chiến lược của APEC trong những thập niên tới.

Đặc biệt, chúng ta đã tích cực góp phần hình thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ, qua đó góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC đối thoại với các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm phối hợp xây dựng cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao.

Chủ tịch nước chúc mừng và biểu dương lãnh đạo, cán bộ các cơ quan từ trung ương đến địa phương, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, các nghệ nhân, nghệ sĩ và đồng bào, chiến sĩ cả nước đã đồng lòng, gắng sức đóng góp vào thắng lợi chung của Năm APEC 2017.

Để phát huy vai trò của nước ta và tạo hiệu ứng lan tỏa từ những kết quả, thành công của Năm APEC 2017, Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung công tác:

Thứ nhất, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của các nền kinh tế chủ nhà APEC tiếp theo để thúc đẩy triển khai các kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017, tập trung xây dựng và triển khai Tầm nhìn APEC sau năm 2020, góp phần khẳng định vị thế chiến lược của APEC là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu, là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Theo đó, cần thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác APEC trên cơ sở các sáng kiến mà chúng ta đã đề xuất và được APEC thông qua, trong đó chú trọng 8 lĩnh vực: (1) Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; (2) Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; (3) Tăng cường an ninh lương thực ứng phó biến đổi khí hậu; (4) Phát triển nông thôn - đô thị; (5) Phát triển doanh  nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; (6) Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử qua biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng; (7) Phát triển công nghiệp hỗ trợ và (8) Phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, cần tích cực tham gia xây dựng chính sách khu vực tại Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC; duy trì có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu APEC Việt Nam.

Thứ hai, phát huy uy tín, lợi thế cạnh tranh và những bài học kinh nghiệm từ Năm APEC 2017, cần tiếp tục đề xuất ý tưởng, sáng kiến phù hợp xu thế và quan tâm chung của từng cơ chế để đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Thứ ba, để nâng tầm đối ngoại đa phương, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổng kết kinh nghiệm 20 năm tham gia APEC, hơn 20 năm tham gia ASEAN, ASEM và 40 năm tham gia Liên hợp quốc, từ đó xây dựng chiến lược đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Thứ tư, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đa phương và song phương, tranh thủ hiệu quả hơn nữa các sự kiện, hoạt động đa phương để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, huy động các nguồn lực quốc tế, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Thúc đẩy triển khai các thỏa thuận, văn kiện và các hợp đồng đã được ký kết trong Tuần lễ Cấp cao APEC nhằm đạt được hiệu quả thiết thực.

Thứ năm, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những thành công của Năm APEC 2017 và tầm quan trọng của hội nhập quốc tế sâu rộng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ ở cả Trung ương và địa phương, xây dựng văn hoá hội nhập quốc tế đến từng người dân.

Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế, xứng đáng là động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, góp phần đưa Việt Nam hội nhập và sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

PV

Bình luận

ZALO