Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đi vào đất liền khu vực Thái Bình đến Thanh Hóa

Biên phòng - Sáng nay, 12-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã họp để bàn các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp.

Ông Trần Quang Hoài yêu cầu triển khai ngay các phương án ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, khả năng chiều 12-6, ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão. Dự báo, khu vực ảnh hưởng của bão là các tỉnh ven biển Quảng Ninh đến Nghệ An.

Hồi 4 giờ ngày 12-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc-110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 480 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 12-6, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc-108,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Dự kiến thời gian bão đổ bộ vào đất liền tại khu vực Thái Bình đến Thanh Hóa, khoảng 10 giờ ngày 13-6 thời điểm bão đổ bộ vào kỳ triều trung bình.

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng thông báo kết quả kiểm đếm, thông báo cho tàu thuyền biết hướng di chuyển của ATNĐ. Ảnh: Ngọc Hà

Tại cuộc họp, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho biết, tính đến 6 giờ sáng ngày 12-6 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.732 phương tiện/225.936 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về tình hình đê điều, Vụ Quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 33 vị trí đê điều xung yếu gồm 24 đoạn đê (với chiều dài 37,22km) và 9 cống dưới đê.

Ngoài ra, hiện có 6 công trình đang thi công dở dang: Thái Bình: 3 (thi công mặt đê biển 8, cống Láng Quai đê cửa sông Diêm Hộ, kè Thiên Kiều đê cửa sông Trà Lý); Ninh Bình: 1 (đê biển Bình Minh 4); Nghệ An: 1 (đê Đông Hồi, đê cửa sông thuộc thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu); Hà Tĩnh: 1 (cống tại K19 đê hữu Phủ, chưa hạ cánh cống, đê quai đảm bảo chống lũ).

Ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh, khối lượng tàu thuyền và các hoạt động kinh tế ở khu vực ảnh hưởng của ATNĐ rất lớn. Dự báo ở khu vực này có mưa lớn, cả tuyến biển, đồng bằng và miền núi đều có nguy cơ rủi ro rất cao. Đề nghị thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền, nắm rõ vị trí của các tàu thuyền đang ở vùng nguy hiểm cần gọi điện trực tiếp cho chủ tàu thuyền, thông tin ngay cho Bộ Giao thông-Vận tải để có chỉ đạo với tàu thuyền vận tải. “Tối nay phải bắn pháo hiệu báo bão” - ông Trần Quang Hoài yêu cầu.

Sơ đồ hướng di chuyển của ATNĐ. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Đối với các đảo, ông Trần Quang Hoài yêu cầu, chính quyền địa phương cần di chuyển lồng, bè nuôi trồng thủy sản tới nơi an toàn ngay trong chiều tối nay. Vụ Quản lý Đê điều theo dõi, kiểm soát các công trình đề điều đang thi công và có phương án chống sóng phá hủy. Khu vực đồng bằng cần kiểm tra lại việc tiêu thoát nước đệm.

“Đối với các tỉnh miền núi, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét là rất lớn, chúng ta cần tiếp tục kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân”- ông Hoài nói.

Ông Trần Quang Hoài cũng lưu ý, mặc dù, có thể đây là cơn bão không lớn nhưng không vì thế chúng ta chủ quan trong công tác ứng phó; các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần triển khai ngay các phương án ứng phó để phòng tránh, sẵn sàng các phương tiện để cứu hộ-cứu nạn khi có tình huống, giảm thiểu thiệt hại do ATNĐ, bão gây ra.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO