Biên phòng - Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8. EVFTA đã mở cánh cửa lớn cho nông sản Việt Nam vào thị trường EU khi nhiều mặt hàng nông sản được hưởng ngay thuế suất 0% như: cà phê, rau quả, hạt tiêu...
Tuy nhiên, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ song hành cùng nhiều thách thức. Bởi nông sản xuất khẩu muốn vào được thị trường EU cần đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định. Theo đó, các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP.
Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay trong công tác bảo vệ thực vật (BVTV), áp dụng các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường và bảo vệ hệ sinh thái.
Mặc dù thuốc BVTV đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm khoảng 35-42% thiệt hại do sinh vật hại gây ra, nhưng việc lạm dụng hóa chất BVTV đang là một vấn đề đáng lo ngại trong trồng trọt ở nước ta. Thói quen sử dụng thuốc hóa học BVTV đã và đang tác động tiêu cực đến an toàn nông sản, gây ra ô nhiễm môi trường và những hậu quả không mong muốn.
5 năm qua, trung bình mỗi năm nước ta chi từ 500 - 700 triệu USD, để nhập khoảng 35 nghìn tấn thuốc BVTV hóa học. Hệ quả là khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên 1ha cây trồng lên đến 2kg, trong khi một số nước khác trong khu vực chỉ từ 0,2 - 1kg/ha.
Cho dù nhiều người thấy được tác hại của thuốc BVTV hóa học và tìm cách thay thế bằng thuốc BVTV sinh học có nhiều ưu việt, nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Song, để thuốc BVTV sinh học được sử dụng rộng rãi vẫn còn nhiều thách thức.
Thật buồn khi nhiều người tin rằng chỉ có thuốc BVTV hóa học mới có thể giải quyết được tất cả các dịch hại một cách dễ dàng và đổ tại cho thuốc sinh học khó bảo quản, giá thành cao, nên vẫn chuộng các hóa chất trong BVTV. Thế nên, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng trên đồng ruộng mới chỉ chiếm 8-10%.
Nhiều nhà khuyến nông trăn trở, nếu không phá bỏ được rào cản lớn nhất là thói quen trong BVTV, Việt Nam khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 tăng sử dụng thuốc sinh học trong BVTV lên 30% và giảm tương ứng 30% lượng thuốc hóa học. Đồng nghĩa, nhiều nông sản của Việt Nam sẽ không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của EU về an toàn vệ sinh.
Hiện, có 236 hoạt chất và 745 tên thương phẩm thuốc BVTV sinh học được phép sử dụng tại Việt Nam. Ngành nông nghiệp cam kết đảm bảo đủ chế phẩm sinh học cung ứng cho trồng trọt cả nước.
Do vậy, để thực hiện được mục tiêu sử dụng rộng rãi thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học trong những năm tới, các chuyên gia cho rằng, cần phải có một số giải pháp mang tính đồng bộ, cùng sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền, các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV sinh học.
Cùng với việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất nông sản sạch, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, Nhà nước cần có chế tài xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt khác, công tác truyền thông cần đặc biệt quan tâm đến người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng lựa chọn các loại thực phẩm được sản suất theo GAP, hữu cơ... sẽ tạo động lực và bắt buộc người sản xuất phải hạn chế sử dụng thuốc hóa học và chuyển sang sử dụng thuốc sinh học.
Yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu về nông sản an toàn, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ... đang là áp lực mạnh buộc người sản xuất sử dụng thuốc BVTV sinh học. Đây là một xu thế khách quan, tất yếu, cũng là một cơ hội và động lực mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Thanh Thảo