Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 11:16 GMT+7

Áp lực lạm phát

Biên phòng - Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, bảo hộ thương mại và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, Chính phủ đánh giá, điểm sáng nhất trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua.

1-48912
Việc công khai, minh bạch thông tin về giá cả hàng hóa luôn đóng vai trò quan trọng. Ảnh: TTXVN

Thành tựu trên càng đáng được ghi nhận khi trong tháng 3 và 4, hàng loạt mặt hàng trọng yếu đều có sự biến động tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng điện (tăng 8,36%), xăng dầu (tăng 27%), dịch vụ y tế và dịch vụ ăn uống, gây áp lực lớn đến lạm phát. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, công tác điều hành giá sẽ gặp nhiều thách thức trong những tháng còn lại của năm 2019, nhất là trong quý 2, khi Nhà nước xem xét điều chỉnh giá một số nhóm hàng theo lộ trình thị trường, cùng với thời điểm lương cơ sở sẽ tăng từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 1-7-2019...

Mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong năm nay là kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức 3,3 - 3,9% sẽ khó thành hiện thực, nếu giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, chưa kể đến các yếu tố biến động bất thường do thiên tai, bão lũ, rủi ro về thị trường và tình hình chính trị, tài chính quốc tế có thể xảy ra.

Cử tri đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành kịp thời và linh hoạt của Chính phủ như: Thanh tra, kiểm tra, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; rà soát các hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư theo hướng ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu phí; mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế nhằm hạ giá thuốc; trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường và chủ động ứng phó phù hợp, nếu giá xăng dầu tăng cao... 

Ngoài những giải pháp trên, các chuyên gia lưu ý, để kiểm soát lạm phát trong vòng mục tiêu đặt ra, vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ đóng vai trò quan trọng. Khi áp lực lạm phát trong nước tăng thì vấn đề cung tiền, đặc biệt là tín dụng cần đảm bảo không quá nóng. 

Thực tế, mức lạm phát được kiểm soát trong thời gian qua nhờ mặt bằng lãi suất ổn định, các ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm 0,5% lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tính thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

Theo các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, những nỗ lực cải cách chính sách sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng 2019 ở mức 6,6 - 6,8%, lạm phát đạt mục tiêu dưới 4%. Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát như kỳ vọng, Nhà nước sau khi điều chỉnh giá điện, cần phải tính toán điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp với biến động của lạm phát, tránh tình trạng cộng hưởng tăng giá, khiến lạm phát có thể tăng đột biến.

Việc công khai, minh bạch thông tin về giá cả hàng hóa luôn đóng vai trò quan trọng nhằm giảm thiểu tác động tâm lý, gây phản ứng dây chuyền khi có biến động giá cả, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng tình thế để đẩy giá các hàng hóa khác. 

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO