Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 04:45 GMT+7

Ảo ảnh

Biên phòng - Bất chấp lệnh ngừng bắn, tình hình chiến sự tại Syria vẫn diễn ra hết sức căng thẳng, cản trở nghiêm trọng công tác cứu trợ nhân đạo. Ngày 28-2, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman cho biết mặc dù HĐBA đã yêu cầu lệnh ngừng bắn trên toàn Syria nhưng bạo lực vẫn tiếp tục tàn phá quốc gia này, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo và khó khăn của người dânDường như hòa bình cho Syria vẫn chỉ là ảo ảnh.

a7ti_anh-1
Đám cháy bốc lên tại các vị trí của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo sau một trận không kích do liên quân tiến hành tại sân vận động Raqqa, Syria, ngày 4-10-2017. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến của những “ông lớn”

Ngay khi lệnh ngừng bắn được thông báo, giới phân tích đã nhận định khả năng lệnh ngừng bắn bị vi phạm là rất cao. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Mới đây, các lực lượng Mỹ đã tiêu diệt khoảng 200 tay súng Nga ở Deir Al-Zor, miền Đông Syria, đánh dấu vụ đụng độ gây thương vong đầu tiên giữa hai nước kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Các lực lượng Nga đã hứng chịu thương vong lớn nhất từ trước đến nay ở Syria, khiến người Nga phải đặt câu hỏi về sự can dự của Moscow trong cuộc xung đột ở Syria cũng như những lợi ích đối với Moskva trong ngắn và trung hạn.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng, những tranh chấp giữa Washington và Moscow có nguy cơ leo thang, dù có thể đó là do tính chất nhạy cảm của Deir Al-Zor khi thành phố này nằm sát những mỏ khí đốt của Syria. Khu vực này cũng phân cắt hành lang giữa Iraq và Syria, nó cũng là nơi đặt các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đông và Nam Syria. Đối với người Nga, vùng này cho phép họ áp đặt quyền kiểm soát đối với hầu khắp Syria và mở cánh cửa biên giới với Iraq để các chiến binh được Iran hậu thuẫn tiến vào Syria mà họ cần cho các cuộc giao tranh trên thực địa.

Nga, Iran và chính quyền Syria vẫn tin vào một giải pháp quân sự hơn là một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Điều này giải thích lý do tại sao các cuộc giao tranh nổ ra sau khi Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi được Nga bảo trợ đã thất bại khi bị phe đối lập Syria và các nước phương Tây tẩy chay. Nga sau đó đã phát động một chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Idlib ở miền Bắc Syria, và chính quyền Syria phá hủy Đông Ghouta, ngoại ô Damascus. Nga cố gắng giành quyền kiểm soát mỏ khí đốt Conoco và Iran bắn hạ một máy bay quân sự của Israel, trong khi có thông tin cho rằng máy bay Israel bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ.

Những vụ việc trên cho thấy những căng thẳng giữa các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria. Các binh sĩ Nga bị giết hại, Israel phá hủy 50% các cứ điểm phòng không của chính quyền Syria và các cuộc giao tranh ở Idlib và Ghouta đã kích động thêm sự giận dữ đối với chính quyền Damascus. Syria vẫn trong biển máu.

Tìm đâu lối thoát?

Cuộc đấu tranh vì Syria sẽ còn tiếp diễn. Nga không thể áp đặt một giải pháp chính trị ở Syria khi thực tế cho thấy sự thất bại ở các hội nghị ở Moscow, Astana và Sochi. Liên minh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất “mong manh” và những lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước này đã tăng lên. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang đối lập đã sẵn sàng hợp tác với Mỹ nếu mục tiêu là triệt tiêu sức mạnh của chính quyền Damascus, Iran và Nga ở Syria.

Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ chế độ và duy trì sự hiện diện quân sự - chủ yếu là các căn cứ hải quân và không quân- tại Syria. Trong khi đó, tham vọng của Iran sẽ đi xa hơn. Ngoài sự hỗ trợ quân sự và chuyển các nhóm dân quân Shi’ite từ Liban, Iraq, Pakistan và Afghanistan sang, Iran còn đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng lên xã hội, kinh tế và chính trị Syria.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ thì về nguyên tắc vẫn ủng hộ một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria và cuối cùng là sự ra đi của ông Assad, song ảnh hưởng của họ bị hạn chế và có vẻ họ đang tìm kiếm một vai trò cho sự hợp tác của châu Âu trong việc tái thiết Syria. Israel nhận ra rằng họ đang trên đà xung đột với Iran và sự hợp tác mong manh của họ với Nga nhằm tránh khỏi một sự xung đột Nga-Israel có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

HĐBA LHQ hôm 24-2 đã yêu cầu một cuộc ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria. Với tư cách là lực lượng cứu hộ ở khu vực Ghouta phía Đông Syria, LHQ cho biết các vụ đánh bom ở đây diễn ra liên tục đến nỗi họ không có đủ thời gian để đếm xác binh linh thiệt mạng tại một trong những cuộc không kích đẫm máu nhất của cuộc chiến kéo dài suốt 7 năm qua. 

Một vấn đề mấu chốt có liên quan đến chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giọng điệu gay gắt chống Iran của ông Trump cho đến này chưa kéo theo một hành động quân sự nào thực sự chống Iran tại Syria. Sự hiện diện quân sự hạn chế của Mỹ tại Đông Bắc Syria và sự liên kết của họ với người Kurd đã tạo ra tầm ảnh hưởng hạn chế trong cuộc đấu tranh nhằm định hình tương lai Syria. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong một phát biểu đưa ra hồi giữa tháng 1 đã trình bày chiến lược của Washington tại Syria, song các mục tiêu mà ông đặt ra cho các chính sách của đất nước là không thực tế.

Có khả năng Mỹ sẽ mở rộng các chiến dịch quân sự mang tính trừng phạt nếu Iran và chính quyền Syria vượt quá giới hạn đỏ, trong đó có việc ném bom các mục tiêu “có giá trị cao” của Iran và những địa điểm “nhạy cảm” đối với các lực lượng chính quyền Syria. Các bên khác sẽ cần phải duy trì trong “khuôn khổ” do Washington vạch ra cho đến khi giải quyết được cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này dựa trên tiêu chuẩn của Mỹ. Và dù là bên nào thì họ cũng đang “chiến đấu” tại Syria, khiến hòa bình cho Syria vẫn chỉ là ảo ảnh.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO