Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:27 GMT+7

Anh với tham vọng tạo bước chuyển lớn hậu Brexit

Biên phòng - Chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Ấn Độ vào cuối tuần trước mang nhiều ý nghĩa lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong chiến lược chuyển dịch sang châu Á.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ cuối tuần trước. Ảnh: REUTERS

Sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit) từ đầu năm 2021, một trong những nỗ lực đầu tiên để mở ra thời đại mới cho Anh là việc nâng tầm quan hệ song phương với Ấn Độ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 5-2021. Trong gần 1 năm sau đó, do sự gián đoạn nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19, đến nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson mới có thể tiến hành chuyến thăm đầu tiên tới quốc gia Nam Á và hội đàm trực tiếp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trọng tâm chính của chuyến thăm ý nghĩa này là thúc đẩy hợp tác song phương về an ninh, quốc phòng, thương mại.

Công bố về kết quả của cuộc hội đàm, hai Thủ tướng khẳng định nhiều cam kết hợp tác đầy triển vọng trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và coi đây là trụ cột chính trong quan hệ song phương, được thực hiện với những cách thức mới và gắn kết trong khoảng thời gian lâu dài. Hai quốc gia cũng tăng cường cam kết ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và an toàn. Đồng thời, tăng cường hiệu lực hợp tác an ninh quốc phòng trên biển, đất liền, trên không và an ninh mạng ở khu vực, cũng như thúc đẩy thương mại, sản xuất công nghiệp với chuyển dịch sang Ấn Độ.

Giới quan sát bình luận, điểm nhấn đáng chú ý và đánh dấu mốc quan trọng là việc hai nước ký thỏa thuận mới về hợp tác quốc phòng. Trong đó, Anh hỗ trợ Ấn Độ với nhiều điểm nổi bật như: Đạt mục tiêu chế tạo các loại máy bay chiến đấu trong nước; giảm nhập khẩu thiết bị quốc phòng; cấp giấy phép xuất khẩu mở đặc biệt cho Ấn Độ; hợp lý hóa thủ tục và thúc đẩy vận chuyển hàng hóa xuất khẩu quân sự...

Cũng theo giới quan sát, chuyến thăm này là minh chứng cụ thể nhất cho những nỗ lực thời hậu Brexit của Anh trong việc tìm kiếm những thị trường mới và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi có nhiều nền kinh tế có mức phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.

Giới chuyên gia kinh tế châu Âu chỉ ra rằng, việc gắn kết với Ấn Độ thời điểm hiện nay như bước mở đầu cho những tham vọng chuyển dịch sang châu Á của Anh. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ có thể đạt hơn 8%, là một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Cùng với đó, tiềm năng kinh tế của Ấn Độ là một nguồn đầu tư quan trọng và là một thị trường lớn phù hợp với chiến lược hậu Brexit mà Anh đang theo đuổi. Hiệp định FTA giữa Anh và Ấn Độ đang trong quá trình đàm phán và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của Anh lên gần 36,5 tỷ USD vào năm 2035.

Phân tích từ giới chuyên gia chính trị quốc tế cho thấy, chuyến thăm của Thủ tướng Anh phản ánh nỗ lực của chính phủ nước này trong việc tăng cường sự hiện diện theo chiến lược ngả về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, ông Johnson đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ấn Độ trong trật tự toàn cầu và khẳng định vị thế cao của Ấn Độ trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay. Giới chuyên gia cũng nhận định, Anh và Ấn Độ trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hợp tác các lĩnh vực mới, điển hình như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; an ninh mạng; hợp tác quân sự; quốc phòng; thương mại...

Trong thời kỳ hậu Brexit, Anh theo đuổi tầm nhìn về “nước Anh toàn cầu” và trên thực tế, Anh đang được đánh giá là một “lá cờ đầu” trong xu hướng phương Tây chuyển dịch sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Anh và Ấn Độ đang cùng cho thấy triển vọng tạo bước chuyển lớn trong mối quan hệ 75 năm với thỏa thuận thương mại, cam kết tối đa hóa hợp tác quốc phòng, tạo dựng lòng tin tốt hơn trong quan hệ song phương. Giới chuyên gia khẳng định, hai nước có nhiều động lực để khai phá những lợi thế chung, thúc đẩy ý chí, tầm nhìn chung về sự ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Trong đó, chủ nghĩa đa phương với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp được cả hai nước đề cao.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO