Biên phòng - Đến với xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vào những ngày này, chúng tôi được hưởng không khí vui tươi của đồng bào dân tộc Ma Coong nơi đây, khi 10 bản của xã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” phục vụ nhân dân. “Công trình được đưa vào sử dụng có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống đồng bào ở khu vực biên giới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa các bản làng biên giới trở thành những vùng quê đáng sống” - Ông Trương Tấn Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch chia sẻ.

Trong những ngày Hè ở miền Trung, thời tiết nóng như đổ lửa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng vẫn miệt mài với máy hàn, máy cắt và thực hiện những công đoạn lắp đặt cuối cùng để hoàn thành, bàn giao công trình “Ánh sáng vùng biên” cho các bản của xã Thượng Trạch. Công trình có tổng chiều dài 5km, gồm 200 cột đèn chạy bằng điện năng lượng mặt trời với kinh phí trên 300 triệu đồng. Ngay sau lễ bàn giao công trình, màn đêm biên giới cũng dần buông xuống. Trong ánh điện chiếu sáng từ công trình, người già cùng nhau ra đường hóng mát, trò chuyện, còn trẻ em thì nô đùa trên con đường khang trang, sạch sẽ.
Già làng Đinh Liễu, ở bản 61, xã Thượng Trạch phấn khởi: Bà con ưng cái bụng lắm, ánh điện đã làm thay đổi vùng quê nghèo. Trước đây, khi màn đêm buông xuống, bản làng tối đen, buồn lắm, nhà nào cũng đi ngủ sớm. Nay được BĐBP xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, tối đến, đường làng, ngõ xóm có ánh điện, người dân thuận tiện qua lại hỏi thăm nhau tăng cường tình làng, nghĩa xóm. Đặc biệt, từ khi có ánh điện chiếu sáng, tình hình an ninh, trật tự cũng được kiểm soát tốt hơn, hạn chế được tình trạng trộm cắp...
Đồn Biên phòng Cà Roòng phụ trách địa bàn 10 bản của xã Thượng Trạch, đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn với 330 hộ/1.547 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Ma Coong chiếm trên 90% dân số, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Roòng chia sẻ: “Đơn vị đã có nhiều việc làm ý nghĩa để nâng cao đời sống cho bà con. Nhưng để “lột xác” hoàn toàn vùng quê biên giới, chúng tôi xác định, phải tạo bước đột phá, trước hết là huy động mọi nguồn lực xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên”. Trong điều kiện địa bàn xã Thượng Trạch, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là chưa có điện lưới quốc gia thì việc xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” càng có ý nghĩa lớn đối với đồng bào nơi đây”.
Với ý nghĩa quan trọng của công trình, mặc dù phải tập trung tổng lực quân số cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, song cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng đã huy động gần 100 ngày công để thi công và bàn giao công trình “Ánh sáng vùng biên” cho đồng bào Ma Coong trên địa bàn biên giới xã Thượng Trạch. “Ðể tiết kiệm chi phí, tất cả các công đoạn đều được cán bộ, chiến sĩ tự làm lấy, từ việc mua ống thép về hàn cột đến việc gắn thêm giá lắp các bóng đèn led, tấm pin năng lượng mặt trời...” - Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh cho biết.

Ông Trương Tấn Hưng chia sẻ thêm, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Cà Roòng đã huy động nguồn lực chung sức cùng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những mô hình, chương trình thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân. Việc huy động nguồn lực xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại 10 bản của xã Thượng Trạch tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt hằng ngày. Có điện chiếu sáng, người dân rất phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần, đồng thời, an ninh, trật tự trên địa bàn biên giới cũng được đảm bảo.
Được biết, mong muốn của Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Roòng là tiếp tục tìm nguồn kinh phí để triển khai công trình ở những nơi chưa có hệ thống điện chiếu sáng trên các trục đường giao thông ở các bản còn lại trong xã. Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí và huy động ngày công của cán bộ, chiến sĩ, người dân để tăng dày hệ thống cột đèn năng lượng mặt trời tại các bản chưa được triển khai. Đồng thời, triển khai mô hình này tại xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch - xã nội địa nhưng được UBND tỉnh giao BĐBP tỉnh đỡ đầu. Chỉ huy đơn vị thường xuyên phân công cán bộ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, theo dõi hoạt động của công trình, kịp thời khắc phục, sửa chữa khi gặp hỏng hóc để đảm bảo công trình vận hành hiệu quả...
Với mong muốn làm thay đổi bộ mặt nông thôn khu vực biên giới, BĐBP Quảng Bình đã có sáng kiến và triển khai mô hình “Ánh sáng vùng biên” vào cuối năm 2019. Bộ Chỉ huy BÐBP Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu thực tế, huy động nguồn lực xã hội xây dựng các công trình đảm bảo chất lượng, mỹ quan và an toàn trong vận hành. Đến nay, các đơn vị BĐBP Quảng Bình đã xây dựng, bàn giao 57 công trình tại 15 xã, phường khu vực biên giới với tổng chiều dài 57,3km và tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng.
Viết Hà