Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 11:42 GMT+7

Anh là màu xanh hy vọng

Biên phòng - Trung úy Ngô Ngọc Tuấn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh đưa tôi đến nhà của em Lý Đức Quyền, sinh năm 2008. Em bị bệnh bạch cầu, sức khỏe rất yếu, nhưng rất hiếu học. Em vừa trị bệnh vừa học, không nghỉ buổi học nào, thành tích học tập rất tốt. Gia đình em cứ kiệt quệ dần vì chi phí chữa bệnh cho em. Vì lẽ đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đã đưa em vào danh sách hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

nt3q_10b
Trung úy Ngô Ngọc Tuấn thăm hỏi bà con người Dao ở Hoành Mô, Quảng Ninh.  Ảnh: Thụy Văn

Dù đã hẹn trước, nhưng chúng tôi cũng phải chờ rất lâu, mẹ của Lý Đức Quyền đi đón em ở trường về. Bố của Quyền nói, dù có việc gì, cháu cũng phải học xong tiết học ở trường, mới cho bố mẹ đón về. Từ khi Quyền bị bệnh, gia đình không còn những ngày vui. Vài tháng một lần, cả gia đình lại đưa em xuống bệnh viện để điều trị bệnh máu trắng theo lịch. Từ khi nhận được khoản hỗ trợ 500 ngàn mỗi tháng của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, gia đình được an ủi rất nhiều. Mẹ Quyền nói chuyện với chúng tôi, mắt ầng ậc nước, nhưng không tuyệt vọng. Chị nói: “Quyền bây giờ rất yếu. Nhưng có các chú Biên phòng thường xuyên đến, gia đình thấy được quan tâm, động viên rất nhiều”.

Trung úy Ngô Ngọc Tuấn là người phát hiện và thường xuyên lui tới thăm hỏi gia đình Quyền. Anh tham khảo ý kiến của chính quyền xã Hoành Mô, bà con lối xóm thôn Đồng Cậm và các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Hoành Mô để đề xuất chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đưa trường hợp em Lý Đức Quyền vào Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Quyền là một trong 12 học sinh trên địa bàn nằm trong danh sách hỗ trợ của Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Trong đó, 4 em được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô nhận đỡ đầu; còn lại là các phòng, ban, chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đỡ đầu. Điều đó tạo nên một “làn sóng” mạnh mẽ, ấm áp lan tỏa khiến địa phương cũng có nhiều động thái quan tâm chia sẻ tới các gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt như trường hợp em Lý Đức Quyền.

Trung úy Ngô Ngọc Tuấn nói, ngoài việc tham gia giúp đỡ các em học sinh nghèo, anh còn vận động các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn giúp đỡ hỗ trợ các gia đình nghèo khác xây nhà. Anh còn là người kết nối, tư vấn cho các doanh nghiệp muốn giúp đỡ người nghèo. Nơi nào có trường rồi, Ngô Ngọc Tuấn tư vấn cho nhà hảo tâm góp kinh phí cho bữa ăn trưa của học sinh nội trú.

hvt5_10a
Gia đình em Lý Đức Quyền, một trong 4 học sinh được Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đưa vào chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: Thụy Văn

Ngô Ngọc Tuấn được phân công phụ trách, chăm sóc và theo dõi việc học hành, sử dụng nguồn hỗ trợ của 2 gia đình trong địa bàn. Anh liên lạc thường xuyên với gia đình, nhà trường để động viên, theo dõi quá trình học tập, rèn luyện cũng như định hướng nghề nghiệp cho các em. Anh đề nghị quân y đơn vị xuống thăm khám sức khỏe định kỳ, đảm bảo sức khỏe cho các em. Thôn bản nào có hiện tượng học sinh bỏ học, bỏ trường lớp để đi cùng cha mẹ vào rừng hái hoa hồi, thu hoạch quế, anh đến tận nơi, phân tích và vận động gia đình cho trẻ đến trường...

Ngô Ngọc Tuấn còn tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tuyên truyền, vận động những người mù chữ, tái mù chữ trên địa bàn tích cực tham gia các lớp xóa mù chữ. Anh chia sẻ, cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy những gương mặt thơ ngây trong trẻo, vui đùa và giao tiếp với bạn bè, thầy cô. “Những vui mừng, những giọt nước mắt cảm động của các phụ huynh khi nhìn thấy con em mình được đến trường, làm cho tôi tự nhủ rằng, mỗi chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn công tác này để đem đến cho nhiều em nhỏ khác có cơ hội đến trường hơn nữa” – Trung úy Tuấn trải lòng.

Trong mắt người dân sống trong khu vực biên giới, anh chính là màu xanh hy vọng mà họ yêu mến nhất.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO