Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:01 GMT+7

Anh em tướng Phạm Kiệt trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám

Biên phòng - Ở Quảng Ngãi, trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cố Trung tướng Phạm Kiệt, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) và người em gái của ông là hai trong số những người hoạt động cách mạng nổi bật ở địa phương. Bà Phạm Thị Trinh, em út của ông Kiệt, là thủ lĩnh đoàn biểu tình truy điệu Sơn Tịnh, đối mặt với toàn quyền Pháp là Pát-quy-ơ. Còn ông Phạm Kiệt với dấu ấn là Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ chống thực dân Pháp giành chính quyền ở Quảng Ngãi.

e837_12a
Bà Phạm Thị Trinh ký tặng thơ cho phóng viên Báo Biên phòng. Ảnh: Văn Chương

Người đảng viên lão thành

Bà Phạm Thị Trinh, sinh năm 1914, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Lịch sử tỉnh Quảng Ngãi còn lưu lại câu chuyện về bà đã thể hiện tinh thần nữ quyền, yêu nước. Vào ngày 19-1-1930, bà cầm cờ đi đầu, chỉ huy cuộc biểu tình truy điệu Sơn Tịnh - cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng của Đảng tại địa phương với hơn 2.000 người tham gia.

Tháng 7-1932, bà Trinh bị địch bắt giam. Sau khi ra tù, bà tiếp tục tham gia hoạt động và được bầu vào “Ủy ban Vận động Cứu quốc” tỉnh Quảng Ngãi (tức Tỉnh ủy lâm thời). Nhiều tài liệu còn ghi lại khi Đội du kích Ba Tơ xây dựng căn cứ trong lòng dân, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, đoàn đại biểu phụ nữ tỉnh do bà dẫn đầu đã đón và tặng quà cho đội tại Bia Lũy. Bà với cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh đã trao thanh gươm cho ông Nguyễn Chánh, Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ, người sau này là chồng bà. Ông Phạm Ngọc Trân, anh trai bà sau này trở thành Trưởng ty Công an đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1945; người làm nên tên tuổi nhất trong gia đình là anh trai Phạm Kiệt, Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ.

Bà Phạm Thị Trình là người cùng tuổi với Nam Phương Hoàng Hậu - vợ vua Bảo Đại. Năm 2010, khi nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, bà đã đọc mấy câu thơ: “Huy hiệu Đảng trao thật quý mừng/Tám mươi tuổi Đảng nhớ ngày Xuân/Bao lần tra tấn ta bền vững/Mấy bận giao tranh địch hãi hùng...”.

Đến thăm gia đình bà ở Hà Nội cách đây chưa lâu, bà nở nụ cười tươi bên lọ hoa đẹp và đọc cho tôi nghe những vần thơ về cách mạng, về quê hương: “Đồi sim Ba Tơ - tím ngắt/Áo chàm tù - xanh đen/Màu tím của lòng em/ Áo anh xanh - màu lá”.

Thủ lĩnh 21 tuổi

Trong 2 năm 1925-1926, một số thanh niên tiến bộ ở làng An Phú, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi tham gia phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Đó là những thanh niên trẻ Phạm Ngọc Trân, Võ Chừng, Phạm Kiệt. Tịnh Minh là quê hương có truyền thống cách mạng nên phong trào đấu tranh ban đầu đã nhanh chóng lan rộng.

Năm 1927, các đồng chí Võ Sĩ, Nguyễn Tín là cán bộ cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi về xã Tịnh Minh và tuyên bố thành lập Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên làng An Phú. Đồng chí Phạm Kiệt và những thanh niên tiến bộ của làng đã có mặt trong Chi hội thanh niên, trở thành hạt giống của Đảng sau này. Phong trào yêu nước phát triển, dân làng rèn gươm giáo chống thực dân Pháp. Quê hương của đồng chí Phạm Kiệt vốn là làng rèn. Từ ngày đó, trong những ngôi nhà tranh luôn thấp thoáng ánh lửa đỏ và tiếng búa mạnh mẽ.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, xã Tịnh Minh luôn bừng bừng khí thế cách mạng. Các cuộc đấu tranh hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; đấu tranh ủng hộ cuộc nổi dậy của nhân dân huyện Đức Phổ, nhân dân Tổng Châu... liên tục nổ ra. Trước đó, tại làng đã ra mắt tổ chức “Dự bị Cộng sản”.

Những ngày đầu của phong trào cách mạng, các cuộc đấu tranh đều bị địch đàn áp thẳng tay. Trước tình hình trên, đồng chí Phạm Kiệt đã chủ trì cuộc họp chi bộ tại thôn Minh Khánh và quán triệt chủ trương của Đảng, đó là xây dựng cơ sở, không để bị lộ; nắm chắc số lý hương có cảm tình với Việt Minh để vận động họ ủng hộ Việt Minh; bố trí cán bộ dự bị để khi người chỉ huy bị bắt thì có cán bộ kế cận nhằm lãnh đạo phong trào.

u8e6_12b
Năm 2011, Đại tá Lê Như Đức (nay là Thiếu tướng), Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tặng ảnh lưu niệm tại lễ bàn giao Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt tại xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương

Năm 1931, địch đã bố ráp và bắt giữ hơn 50 hội viên Nông hội đỏ, Xích vệ đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Phụ nữ đỏ, trong đó có đồng chí Phạm Kiệt. Địch tra tấn rất dã man số người bị bắt. Tuy nhiên, hành động của chúng không làm lung lạc tinh thần của người cán bộ Việt Minh trẻ tuổi Phạm Kiệt. Những ngày trong nhà lao Sơn Tịnh, người thanh niên Phạm Kiệt đã tuyên truyền về đường lối của Đảng cho bọn lính lê dương, trong đó có một người lính người Ba Lan đã giúp Phạm Kiệt dịch nội dung truyên truyền sang tiếng nước ngoài để vận động bọn lính.

Đồng chí Phạm Kiệt đã liên lạc với số anh em tù trong bọn lính, chuẩn bị làm binh biến và kéo lên núi lập căn cứ kháng chiến. Bọn chỉ huy nhà lao phát hiện quân lính của mình đều đã được Phạm Kiệt lôi kéo và chuẩn bị làm phản, chúng tức tốc chuyển toàn bộ đám lính này đi nơi khác. 21 tuổi, đồng chí Phạm Kiệt đã trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường, mưu trí và có sức thu phục lòng người.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO