Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 02:15 GMT+7

Anh, Ác-hen-ti-na lại đôi co về đảo tranh chấp

Biên phòng - Ngày 16-12, Bộ Ngoại giao Anh chính thức lên tiếng phản đối việc Quốc hội Ác-hen-ti-na vừa thông qua một bộ luật mới, cho phép giới chức nước này có quyền phạt nặng, tịch thu thiết bị và xét xử các quan chức điều hành những công ty dầu mỏ hoạt động ở ngoài khơi quần đảo Phoóc-len đang tranh chấp với Anh, mà phía Ác-hen-ti-na gọi là Man-vi-nát.

5xh8_25a-1.jpg
Cuộc sống trên quần đảo Phoóc-len/Man-vi-nát. Ảnh: telegraph.co.uk
Trong công hàm phản đối gửi tới Đại biện lâm thời Đại sứ quán Ác-hen-ti-na tại Anh Ô-xca Hô-ra-xi-ô Ga-gi, Bộ Ngoại giao Anh khẳng định, luật mới của Ác-hen-ti-na không thể áp dụng được với quần đảo Phoóc-len, vì đây là hành động vô căn cứ nhằm ngăn cản các hoạt động thương mại hợp pháp. Chính phủ Anh hoàn toàn ủng hộ quyền của người dân Phoóc-len phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích kinh tế của họ và đây là một phần không thể tách rời trong quyền tự quyết của người dân trên quần đảo nằm ở Nam Đại Tây Dương này được quy định trong Hiệp ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Bộ Ngoại giao Anh cho rằng, các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của bất cứ công ty nào hoạt động trên thềm lục địa của quần đảo Phoóc-len được quy định bởi luật pháp của chính quyền Phoóc-len và phù hợp với Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (LHQ). Theo Luân Đôn, trước đó, chính quyền Phoóc-len cũng đã phản đối Ác-hen-ti-na áp đặt luật mới đối với lãnh thổ và lãnh hải của quần đảo này.

Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Phoóc-len/Man-vi-nát đã leo thang từ đầu tháng này, sau khi Chính phủ Ác-hen-ti-na tuyên bố sẽ phạt nặng, tịch thu thiết bị và xét xử các quan chức điều hành những công ty dầu mỏ hoạt động ở ngoài khơi quần đảo này.

Trong thông báo cho phía Anh, Đại sứ quán Ác-hen-ti-na tại Luân Đôn cho biết, Quốc hội Ác-hen-ti-na hồi cuối tháng 11-2013 đã thông qua luật mới nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác dầu khí ở ngoài khơi quần đảo Man-vi-nát, mà nước này cho là vi phạm các quyết định của LHQ. Theo đó, các công ty dầu khí có thể chịu mức phạt tương đương với giá trị 1,5 triệu thùng dầu, bị tịch thu thiết bị và lượng dầu khí khai thác trái phép, trong khi các quan chức điều hành những công ty này sẽ phải đối mặt với án tù có thể lên tới 15 năm. Ngoài ra, các cá nhân và công ty vi phạm sẽ bị cấm hoạt động ở Ác-hen-ti-na.

Đại sứ quán Ác-hen-ti-na cũng khẳng định, Chính phủ Ác-hen-ti-na phản đối và bác bỏ tất cả các kế hoạch của Anh nhằm thúc đẩy và cho phép các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực thuộc thềm lục địa của Bu-a-rốt Ai-rét. Các kế hoạch này đi ngược lại với Nghị quyết 31/49 của Đại hội đồng LHQ, trong đó yêu cầu Luân Đôn và Bu-a-nốt Ai-rét không đưa ra các quyết định đơn phương dẫn đến việc thay đổi tình hình quần đảo trên, trong khi tranh chấp chủ quyền giữa hai nước vẫn đang chờ được giải quyết.

Phản ứng trước thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh đã cho rằng, các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của bất cứ công ty nào hoạt động trên thềm lục địa của quần đảo Phoóc-len đều được quy định bởi luật pháp của chính quyền Phoóc-len và phù hợp với Công ước về Luật Biển của LHQ. Các hoạt động như thế là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp và Chính phủ Anh hoàn toàn ủng hộ quyền của người dân Phoóc-len phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích kinh tế của họ. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh, các bộ luật của Ác-hen-ti-na không thể áp dụng được với quần đảo Phoóc-len, Nam Gioóc-gi-a hay Nam Xen-uých, vốn là lãnh thổ hải ngoại của Anh.

Báo chí Anh cho biết, Đại sứ quán Ác-hen-ti-na ở Luân Đôn đã gửi hơn 200 bức thư tới các công ty có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp và cảnh báo họ về khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi phạm tội của họ ở Man-vi-nát. Tờ "Người bảo vệ" cũng đưa tin rằng, các ngân hàng đầu tư và thị trường chứng khoán Luân Đôn có giao dịch với các công ty khai thác dầu khí cũng nhận được những bức thư như vậy.
iywa_25b-1.jpg
Bản đồ cho thấy quần đảo tranh chấp này nằm rất gần Ác-hen-ti-na.  Ảnh: cnn.com

Quần đảo Phoóc-len/Man-vi-nát có diện tích trên 12.000km2 với dân số vài nghìn người, nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Ác-hen-ti-na khoảng 500km và cách Anh gần 8.000km. Quần đảo gồm hai đảo chính là Đông Phoóc-len và Tây Phoóc-len cùng hơn 770 đảo nhỏ. Vùng biển của Man-vi-nát được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000km2. Một loạt phát hiện gần đây ở khu vực "Sư tử biển" cách 128km về phía Bắc đảo Phoóc-len đã thực sự thúc đẩy "cơn sốt vàng đen" ở Nam Đại Tây Dương. Quần đảo này bị Quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Đến năm 1982, Ác-hen-ti-na đã tấn công quân đồn trú của Anh và chiếm lại được quần đảo này trong 74 ngày, nhưng sau đó lại bị đánh bại. Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sĩ Ác-hen-ti-na và 255 lính Anh. Tổng thống Ác-hen-ti-na, bà Cri-xti-na Phéc-nan-đét đã nhiều lần chỉ trích Luân Đôn làm kiệt quệ nguồn tài nguyên của nước Nam Mỹ này và tuyên bố sẽ "lấy lại những hòn đảo".

Bất đồng ngoại giao giữa Ác-hen-ti-na và Anh gia tăng căng thẳng kể từ năm 2010, khi Luân Đôn cho phép tiến hành hoạt động thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp. Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 3 vừa qua, có tới 98% người dân tại đây bỏ phiếu ủng hộ giữ quy chế Man-vi-nát/Phoóc-len là một trong những vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại. Tuy nhiên, Ác-hen-ti-na vẫn tiếp tục đưa tranh chấp về quần đảo này lên LHQ, phản đối lập luận trên vì cho rằng, sau khi chiếm đóng Man-vi-nát, Anh đã trục xuất người Ác-hen-ti-na và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng trên chỉ là nguyện vọng của những "kẻ thực dân". Đến nay, LHQ đã cho ra hàng chục nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, Anh cho rằng, không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo trên Đại Tây Dương này.

Cuối tháng 9 vừa qua, nhân dịp dự khóa họp lần thứ 68 Đại hội đồng LHQ tại Niu Yoóc, Mỹ, Ngoại trưởng Ác-hen-ti-na Ếch-tô Ti-méc-man và người đồng cấp Tây Ban Nha Hô-xê Ma-nu-ên Gác-xi-a Mác-ga-giô đã đạt được thỏa thuận cùng phối hợp hành động để yêu cầu Anh đàm phán về chủ quyền đối với quần đảo Man-vi-nát và vùng lãnh thổ Gi-bran-ta tranh chấp với Tây Ban Nha theo các nghị quyết của LHQ.
Anh trước đó cũng đã bác bỏ đề xuất của Tây Ban Nha tiến hành đối thoại song phương về chủ quyền đối với Gi-bran-ta, vùng lãnh thổ mà Tây Ban Nha đã nhượng cho Anh theo một hiệp ước ký từ cách đây khoảng 300 năm. Tranh chấp về chủ quyền vùng lãnh thổ này lại bùng nổ hồi tháng 7, sau khi chính quyền vùng Gi-bran-ta cho thả các khối bê tông xuống vùng biển tranh chấp để xây dựng rạn san hô nhân tạo. Tây Ban Nha cáo buộc hành động trên đã cản trở hoạt động đánh bắt cá của ngư dân nước này. Theo Ma-đrít, trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, LHQ đã yêu cầu hai nước giải quyết bất đồng trên cơ sở song phương. Thế nhưng, các cuộc đàm phán đã bị sa lầy do hai bên không thống nhất được vai trò của người dân sinh sống tại Gi-bran-ta trong các cuộc thương thuyết.
Phương Thanh

Bình luận

ZALO