Biên phòng - Chợ lối mở A Pa Chải - Long Phú nằm trên vùng tiếp giáp giữa huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). 4 năm trôi qua, kể từ khi hình thành, ngôi chợ này không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân hai bên biên giới, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, thu hút hàng nghìn khách tham quan, mua bán mỗi phiên.
|
Gian hàng đồ chơi đủ màu sắc. |
Chợ phiên lối mở A Pa Chải - Long Phú được mở vào các ngày 3, 13, 23 âm lich hằng tháng. Khi màn sương sớm tan dần, chợ như rộng ra, mỗi lúc một đông thêm. Đến phiên chợ, Trạm KSBP A Pa Chải, Đồn BP A Pa Chải bố trí một barie trên đường, chỉ mở một lối nhỏ có kê bàn kiểm soát. Ai đi qua sẽ để lại chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hay giấy giới thiệu để BĐBP vào sổ. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy, có một cô gái chỉ 14, 15 tuổi, mặc trang phục dân tộc Hà Nhì, da nâu, mắt to đen lay láy, cứ cúi mặt ngượng ngùng khi BĐBP hỏi chứng minh thư, sổ hộ khẩu, thẻ học sinh. Cậu chiến sĩ kiên nhẫn hỏi câu cuối: "Thế em có gì?". Cô gái xòe bàn tay, bên trong có chiếc ảnh chân dung 3x4cm rồi rụt tay lại ôm lấy mặt.
Người đàn ông dân tộc Mông tên là Vàng Seo Pó bế con trai chừng vài tháng tuổi ngập ngừng trình bày: "Em có chứng minh thư đây, nhưng vợ lại không có giấy tờ gì. Nhưng muốn đi chợ. Cho vợ em vào với!". Để tránh trường hợp nhiều người lợi dụng vào chợ rồi "tranh thủ" vượt biên trái phép, Đại úy Pờ Bạch Quân phải "làm khó" lắc đầu: "Ai có giấy tờ mới được đi. Vợ anh phải chờ ở đây". Anh Pó tần ngần: "Vậy em không đi nữa".
Lại có cụ già đứng không còn vững, luôn phải dựa vào người con trai đi cùng. Anh con trai bảo: "Nhà tôi từ Sơn La về ở xã Chung Chải được mấy năm rồi. Ở Chung Chải không có chợ phiên. Nhớ chợ phiên, nhưng mẹ tôi già rồi không còn đủ sức để về quê... Nghe nói ở đây có chợ to và đông lắm, mẹ muốn được đi một lần".
Là chợ lối mở với mục đích ban đầu là phục vụ nhu cầu mua sắm, giao thương của bà con hai bên biên giới, nhưng hiện tại, quy mô chợ không ngừng phát triển. Các gian hàng bày san sát và hàng hóa rất đa dạng. Bà con ở các bản mang bán nông sản tự sản xuất được như gạo nếp, gạo đỏ, gà, thảo quả… Không có nhiều, bà con chỉ mang bán đủ tiền mua quần áo về cho lũ trẻ hoặc chiếc cuốc, xẻng làm ruộng và thêm ít nhu yếu phẩm... Các quầy hàng nông cụ phục vụ sản xuất như dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày của người Hà Nhì ở Sín Thầu rất đông khách. Người Hà Nhì ở xã Sín Thầu có nghề rèn, từ khi Anh hùng Trần Văn Thọ đưa cây lúa nước về, nảy sinh nhu cầu phải có lưỡi cày, rồi từ đó người ta rèn dao, cuốc, xẻng. Thuốc lá Vinataba, bánh kẹo Hải Hà, cà phê Trung Nguyên, chè Tân Cương, cao Bạch Hổ là mặt hàng người Trung Quốc đến chơi chợ thường tìm mua về làm quà.
Không thể phủ nhận các gian hàng của Trung Quốc phong phú hơn hẳn phía Việt Nam. Các phương tiện ô tô, xe máy vận chuyển đỗ san sát, quán hàng được đầu tư đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, các mặt hàng bày bán đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Từ thực phẩm, giày dép, quần áo đến các sản phẩm điện tử không thiếu thứ gì, thậm chí có cả cửa hàng răng giả lắp tại chỗ. Đàn ông thường quan tâm đến điện thoại, máy nghe nhạc, ti vi. Thanh niên thì cố gắng tìm cho mình bộ quần áo, đôi giày hợp thời trang. Phụ nữ quẩn quanh các quầy hàng chăn màn, suy tính mua cái nào vừa rẻ lại vừa bền và còn phải đủ tiền rẽ qua cửa hàng thực phẩm. Trẻ con lại háo hức với cửa hàng đồ chơi đủ màu sắc.
|
Khách Trung Quốc rất thích thú với các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao. |
Còn gì sung sướng hơn khi một tay cầm món đồ chơi mình thích, tay kia là xiên thịt, cánh gà nướng tẩm mật ong nóng hổi, thơm lựng. Đến chợ, khách không cần biết tiếng Trung hay tiếng Việt. Chỉ cần giơ món hàng lên, chủ hàng sẽ căn cứ vào quốc tịch của khách mà bấm số tiền vào máy tính. Khách trả giá bằng cách cầm máy tính bấm lại. Cứ thế cho đến khi một bên gật đầu đồng ý. Những gian hàng của người Trung Quốc có rất nhiều loại hàng hóa giá rẻ mà mẫu mã lại phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt là thực phẩm, các loại giống cây trồng, gia cầm... so với giá bán bên chợ Việt Nam chỉ bằng một nửa. Thế nên mới có chuyện mang một con gà ở Việt Nam đi bán, mua được cân thịt mỡ lại cả… thêm đôi gà ở cửa hàng thực phẩm Trung Quốc.
Đi một vòng quanh chợ sẽ thấy, người đến chợ không chỉ với mục đích mua hàng mà rất nhiều người đến chỉ để… chơi chợ. Đó là những thanh niên đang túm tụm trò chuyện nhưng mắt vẫn không rời khỏi dáng đi uyển chuyển của các cô gái trẻ. Và kia, một anh Công an Trung Quốc vẫn còn nguyên bộ quân phục đang mua tặng chiếc nón Huế cho cô bạn gái, nhìn qua đã biết người thành phố. Lại có cô chủ yêu con chó xoăn của mình hết mực. Cô có hẳn chiếc túi thêu hoa, đặt chú chó ngồi trong, chỉ thò ra mỗi cái đầu để cô vừa đi, vừa ngắm nghía nhưng vẫn rảnh tay thưởng thức chiếc bánh bao nóng hổi và thỉnh thoảng véo cho cún cưng của mình một miếng. Có nhóm phượt của các bạn trẻ Hà Nội may mắn đến A Pa Chải đúng dịp phiên chợ, đang háo hức khám phá, say sưa với những khuôn hình phiên chợ đầy màu sắc.
Đứng trên cao này để phóng xa tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ núi rừng trong biển mây trắng mềm mại và ẩn hiện trong đó là những bản làng với những mái nhà trình tường rêu phong của người Hà Nhì. Tự bao giờ, ngã ba biên giới đã trở thành ngã ba hội tụ của những sắc màu văn hóa…