Biên phòng - Chính trường Thổ Nhĩ Kỳ đang rất “nóng” khi cuộc bầu cử cận kề. Theo giới chuyên gia, Tổng thống tới đây của Thổ Nhì Kỳ không chỉ quan trọng đối với quốc gia này, mà còn có ảnh hưởng đáng kể đối với châu Âu và khu vực Trung Đông.
Cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới đây được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử khi quốc gia này đang đứng trước ngã rẽ trước muôn vàn biến động khó lường của tình hình thế giới nói chung và khu vực nói riêng.
Giới chuyên gia chính trị quốc tế chỉ ra rằng, đường lối lãnh đạo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gặp phải sự bất đồng ngày càng lớn trong nội bộ đất nước. Vì vậy, cuộc bầu cử này sẽ là cuộc đua gay gắt nhất trong 2 thập kỷ kinh qua chức thủ tướng rồi đến tổng thống của ông Erdogan.
Truyền thông quốc tế cho hay, “đối thủ” cạnh tranh gay gắt với ông Erdogan là ông Kemal Kilicdaroglu với những cam kết về sự thay đổi lớn đối với đường lối lãnh đạo đất nước.
Giới phân tích cũng chỉ ra một điều không thể phủ nhận, Thổ Nhĩ Kỳ có tầm ảnh hưởng tương đối lớn với quốc tế và khu vực. Không chỉ trong nội bộ chính trường, sự bất đồng đối với chính quyền của ông Erdogan cũng diễn ra trong các mối quan hệ quốc tế, nhất là vấn đề an ninh. Vì vậy, việc có hay không sự thay đổi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem là có tác động đáng kể đối với an ninh châu Âu và Trung Đông.
Phân tích từ giới chuyên gia chỉ ra rằng, cuộc bầu cử này sẽ xác lập một số chủ đề chính sách đối ngoại quan trọng, gồm: Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga; chính sách di cư; vai trò đối với bất ổn an ninh châu Âu; bất hòa với Hy Lạp; căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải… Theo giới chuyên gia, đây cũng là những vấn đề nổi cộm nhất của chính quyền Tổng thống Erdogan trong nhiều năm qua.
Về việc đàm phán gia nhập EU, tiến trình đã bế tắc từ năm 2018. Phe đối lập của ông Erdogan tự tin có thể khơi thông bế tắc để nhanh chóng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU. Giới chuyên gia chính trị cho rằng, điều này là không thực tế, bởi việc nối lại các cuộc đàm phán cũng hết sức khó khăn khi tâm lý bài phương Tây rất mạnh mẽ ở mọi khía cạnh chính trị tại đất nước này.
Trên thực tế, chính sách đối ngoại của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được những kết quả cụ thể khi đạt được sự gắn kết của liên minh trong chính phủ. Tuy nhiên, đây là một liên minh gồm các đảng không có điểm chung nào ngoài mong muốn đánh bại ông Erdogan. Theo đó, bản thân mỗi đảng trong liên minh đều có chương trình nghị sự rất khác nhau và chắc chắn sẽ gặp những trắc trở khi phải cùng thống nhất đối với một chính sách đối ngoại chung.
Mặt khác, nhiều quốc gia châu Âu gần như chưa có lập trường, định hướng cụ thể đối với việc “hâm nóng” quan hệ với Thổ Nhì Kỳ. Trên thực tế, đây là một vấn đề cần có thời gian đủ dài, nên những cam kết của phe đối lập về việc tạo đột phá quan hệ với EU dường như là điều xa vời.
Tương tự trong vấn đề quan hệ với Mỹ, NATO; vấn đề Địa Trung Hải; bất hòa với Hy Lạp; chính sách di cư; an ninh châu Âu…, giới chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, chưa thực sự có những tín hiệu nào mang tính căn bản để khẳng định, phe đối lập của ông Erdogan có thể làm những việc có hiệu quả thực tế.
Kết quả của cuộc thăm dò trong nước gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Kilicdaroglu rất lớn, vượt trội so với ông Erdogan. Dẫu vậy, giới quan sát chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, các kết quả thăm dò dư luận chỉ là những tín hiệu nhất thời và chỉ mang tính tham khảo nhất định, trong khi những cam kết đổi mới là viễn cảnh còn mơ hồ, nặng cảm tính.
Trên thực tế, ông Erdogan là một nhà vận động bầu cử đầy kinh nghiệm, đặc biệt là có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ bởi quyền lực và các thể chế điều hành nhà nước. Đây cũng là những nền tảng căn bản quan trọng để ông Erdogan vững vàng tranh cử với mục tiêu nối tiếp đà hiện thực hóa những tham vọng còn dang dở.
Thanh Trúc