Biên phòng - Sau chiến thắng Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, ngày 1-4-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và quyết định: "Mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể chậm". Ngày 8-4-1975, tại chiến trường miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ công bố quyết định của Trung ương Đảng thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh.
Lực lượng ANVT miền Nam đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. |
Cùng thời gian này, Trung đoàn 180 An ninh vũ trang (ANVT) và Trinh sát vũ trang Tiểu ban bảo vệ chính trị an ninh Trung ương Cục Miền tổ chức tấn công hệ thống đồn bốt của địch từ Nỏ Công xuống ngã ba Vịnh, giải phóng hoàn toàn Quốc lộ số 22, mở rộng căn cứ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuẩn bị lực lượng và tổ chức quân quản của các ngành Trung ương Cục vào chiếm lĩnh Sài Gòn - Gia Định. ANVT Tây Ninh đã tổ chức phục kích trên Quốc lộ 22, đoạn Trà Võ đánh địch điều quân hỗ trợ cho bọn trong thị xã, diệt 2 xe chở lính (trong đó có 1 tên trung tá và 5 tên ác ôn), thu toàn bộ vũ khí, trang bị.
Trung ương Cục mở Hội nghị khẩn cấp vào trung tuần tháng 4-1975. Đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Nguyễn Văn Linh triệu tập đồng chí Lê Thanh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 180 ANVT lên giao nhiệm vụ bảo vệ các đoàn cán bộ Trung ương Cục, Mặt trận giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiến về Sài Gòn. Ba hướng hành tiến đã được xác định rõ. Thường vụ Trung ương Cục và cán bộ lãnh đạo Mặt trận, chính quyền sẽ đi theo hướng Bến Súc về Thủ Đức.
Đoàn cán bộ các cơ quan dân chính sẽ đi theo trục đường 22. Một mũi vu hồi đi về Long An, lên Phú Lâm, đột nhập Chợ Lớn bằng con đường nhanh nhất. Ban An ninh Miền đã đề xuất yêu cầu Bộ Công an chi viện lực lượng và được tin Trung đoàn 18 CANDVT quân số gồm 5 tiểu đoàn sắp tới chiến trường. Trung ương Cục chỉ thị cho các đơn vị ANVT phải bảo vệ các đoàn cán bộ về Sài Gòn tuyệt đối an toàn, đúng thời gian quy định và đánh chiếm, tiếp quản các mục tiêu thuộc bộ máy đàn áp của ngụy như cơ quan cảnh sát, tình báo địch.
Ngày 20-4-1975, Đoàn ANVT thành lập Bộ Chỉ huy hành quân và tác chiến do đồng chí Sáu Huấn làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Ba Bên làm Chỉ huy phó, đồng chí Sáu Bình làm Chính ủy. Đồng chí Lê Tu được chỉ định phụ trách cơ quan tham mưu. Bộ Chỉ huy dời xuống Đồng Pan. 5 bộ khung tiểu đoàn được thành lập sẵn để đón quân chi viện của Công an vũ trang miền Bắc vào. Đồng chí Sáu Hoàng phụ trách toàn bộ công tác bảo vệ Trung ương Cục, trang bị cho các đơn vị thêm 100 xe Hon-đa 50.
Sáng 26-4, phát lệnh hành quân, đồng chí Lê Thanh cùng đồng chí Ba Bên giao nhiệm vụ và động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vụ ANVT lập công xuất sắc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Trung ương Cục và Ban An ninh Miền giao cho, với lời thề sắt son: Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quyết tâm tiêu diệt địch, chiếm lĩnh mục tiêu nhanh gọn.
Đội hình tiến quân chia làm 3 mũi: Mũi thứ nhất, Trung đoàn 180 ANVT do đồng chí Nguyễn Văn Thu chỉ huy lấy một đại đội mạnh, hành quân nhanh nhất xuống Long An, từ đó bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và các đồng chí lãnh đạo Đảng đột nhập vùng Phú Lâm vào thành phố Sài Gòn. Mũi này gặp rất nhiều khó khăn, anh em phải lội bộ qua nhiều sình lầy của Đồng Tháp Mười.
Qua khỏi Quốc lộ số I đến Hậu Nghĩa thì đơn vị gặp một trung đoàn địch ngoan cố chống lực lượng cách mạng. Đơn vị phải chia làm 2 phân đội nhỏ. Một phân đội chiến đấu giữ chân địch, một phân đội đưa đồng chí Võ Văn Kiệt và các đồng chí lãnh đạo vòng phía sau về Phú Định, Phú Lâm. Những chiến sĩ ở lại chiến đấu dũng cảm, giằng co với địch suốt mấy tiếng đồng hồ liền. 10 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, một số đồng chí khác bị thương trong trận chiến đấu này.
Mũi thứ 2, Đại đội 2 đi cùng Bộ Chỉ huy ANVT bảo vệ 3.000 cán bộ tiếp quản thành phố, thuộc các cơ quan dân chính Đảng đi theo hướng Hố Bò về xuôi. Mũi thứ 3, Tiểu đoàn 1 đảm nhiệm do đồng chí Lê Thanh trực tiếp chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí Thường vụ Trung ương Cục và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam vào nội thành Sài Gòn.
Ngày 26-4, Đại đội 2 ANVT tiến quân về Gia Định. Ngày 27, đến xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa gặp bộ binh và xe tăng địch, đơn vị triển khai đội hình chiến đấu, 4 mũi của ta chặn đánh địch. Bị đánh bất ngờ, địch thua đau, hoang mang, lúng túng phải đầu hàng, ta bắt sống 15 tên, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện. Đơn vị vừa đánh địch, vừa hành quân vào thành phố tiếp tục làm nhiệm vụ. Mũi thứ nhất, tiến quân về Long An do Tiểu đoàn trưởng Thu trực tiếp chỉ huy đã bắt liên lạc được với đồng chí Võ Văn Kiệt và các đồng chí lãnh đạo Đảng nhanh chóng tiến về Sài Gòn.
Mũi thứ 2, do Bộ Chỉ huy ANVT trực tiếp phụ trách dự kiến hành quân theo đường Hố Bò, nhưng do tình hình rất khẩn trương, Bộ Chỉ huy quyết định xuống Trảng Bàng, dùng phương tiện cơ giới tiến thẳng vào Sài Gòn theo Quốc lộ số I được đồng chí Cao Đăng Chiếm cho phép. Sáng 29-4-1975, hơn 500 xe quân sự tiến về Sài Gòn. Lực lượng ANVT Đoàn 180 do đồng chí Sáu Huấn và Ba Bên chỉ huy đi trước trinh sát mở đường, tiếp đó là Đoàn An ninh và Tiểu ban quân quản các ngành, đến sáng 30-4 đã đến địa điểm tập kết là trường Đại học Cao Thắng để làm nhiệm vụ.
11 giờ 30 phút, Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các đơn vị ANVT đã chiếm lĩnh cơ quan Tổng nha cảnh sát, Cảnh sát đặc biệt ngụy, Ngân hàng Quốc gia ngụy, Nhà đèn, khám Chí Hòa, Đại sứ Mỹ. Đại đội 1 ANVT chiếm khu Đại học Thủ Đức làm điểm tập kết tạm thời cho cơ quan Trung ương Cục. Sau khi Trung đoàn 18 CANDVT từ miền Bắc vào chi viện đến nơi, lực lượng ANVT mở rộng diện tiếp quản cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, kho xăng Nhà Bè. Tiểu đoàn 17 CANDVT cũng từ miền Bắc vào đã nhanh chóng chiếm lĩnh, bảo vệ an toàn các ngân hàng ở Sài Gòn, cán bộ, chiến sĩ đã giữ nghiêm kỷ luật vùng mới giải phóng, có ý thức bảo vệ tốt hồ sơ, tài liệu của địch để các ngành nghiệp vụ đến tiếp quản.
Sáng 2-5-1975, ta giải phóng tỉnh cuối cùng là Châu Đốc. Bọn tàn quân ngụy ở vùng này chạy về Long Châu Hà cấu kết với lực lượng vũ trang của giáo phái Hòa Hảo với bọn ngàn tên ô hợp chống phá cách mạng. Chấp hành chỉ thị của Trung ương Cục, Ban An ninh Miền, lực lượng ANVT đã phối hợp với các đơn vị quân đội một mặt vận động, thuyết phục chúng quay về với nhân dân, với chính nghĩa; mặt khác, tổ chức tấn công với quy mô lớn vào hang ổ cuối cùng của chúng. Ngày 4-5-1975, ta đã giải quyết xong toàn bộ lực lượng phản loạn ngoan cố này.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, non sông đất nước ta thu về một mối. Trong chiến công chung đó của dân tộc, có một phần đóng góp của lực lượng ANVT miền Nam. 23 đơn vị và 24 cán bộ, chiến sĩ ANVT được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.