Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

An ninh sức khỏe quốc gia

Biên phòng - Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về ứng phó dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Cần tăng tốc nghiên cứu vắcxin, thuốc điều trị phòng, chống dịch Covid-19. 

Thực tế, Việt Nam mới ở trong giai đoạn phòng thí nghiệm, thì nhiều nước đã thử nghiệm xong giai đoạn hai, chuẩn bị sang thử nghiệm giai đoạn ba. Nước Nga đang dẫn đầu, khi tuyên bố đã bào chế thành công vắc xin Covid-19 và sản phẩm của họ chỉ còn chờ được kiểm nghiệm rộng rãi trên thực tế.

Rõ ràng, việc sản xuất vắc xin Covid-19 có thể đối diện với rủi ro khi đưa vắc xin vào đời sống, dịch bệnh đã hết và thị trường sẽ không còn nhu cầu nữa. Song, đa số các chuyên gia ủng hộ quan điểm Việt Nam phải tự nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19 vì một chiến lược an ninh sức khỏe quốc gia, dù phải đầu tư lớn về nhân lực, vật lực, công nghệ cao. Nếu sau này, dịch Covid-19 có quay lại hoặc biến đổi, chúng ta đã có một công nghệ sản xuất vắc xin để chống chọi.

Do vậy, các chuyên gia kiến nghị, việc phát triển vắc xin từ nghiên cứu sang sản xuất thương mại buộc phải tăng hết tốc lực, thời điểm thử nghiệm lâm sàng vắc xin phải được đẩy lên trước tháng 12 năm nay.

Một tín hiệu vui là từ tháng 3 năm nay, cả nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau gồm: Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Viện Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (IVAC), Công ty Công nghệ sinh học Dược Nanogen; Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC).

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, các ứng viên vắc xin có tính an toàn trên động vật và có sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2. Hiện nay, các nhà sản xuất bước vào giai đoạn tối ưu hóa quy trình sản xuất cả về chất lượng, thời gian và số lượng, cũng như đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.

Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, IVAC có thể sản xuất với quy mô 6 triệu liều/năm rồi nâng lên 30 triệu liều/năm, Nanogen có thể sản xuất với quy mô 20 triệu liều/năm và nâng lên 100 triệu liều/năm. Công nghệ sử dụng giá thể vector vi rút để sản xuất vắc xin mà VABIOTECH và POLYVAC đang sử dụng cho phép có thể nâng được công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn.

Thế nhưng, các nhà sản xuất đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lực cả về con người, trang thiết bị, máy móc và nguyên vật liệu. Dù chúng ta có công nghệ để sản xuất vắc xin trong nước, nhưng lại chưa làm chủ được công nghệ nguồn - công nghệ tạo ra chủng để sản xuất vắc xin, không có phòng thí nghiệm đạt chuẩn để thử nghiệm trên động vật mà vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy, những thử nghiệm liên quan đến vắc xin buộc phải lùi lại và bị chậm.

Để trả lời câu hỏi bao giờ Việt Nam có vắc xin, nhiều chuyên gia cho rằng phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư xứng đáng, đồng bộ để các cơ sở nghiên cứu có đủ năng lực tự thực hiện tất cả các công đoạn, không bị phụ thuộc vào nước ngoài. Đặc biệt là các cơ chế đặc thù đặc biệt trong công tác mua sắm đấu thầu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ nghiên cứu, sản xuất cũng như trong thử nghiệm lâm sàng, và cấp phép lưu hành vắc xin. Đây cũng là cách để bảo đảm niềm tin, sự an tâm cho các nhà khoa học, nghiên cứu, làm việc và cống hiến.

Bộ Y tế đề ra mục tiêu, đến cuối năm 2021, có tối thiểu 50 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 được sản xuất trong nước và 150 triệu liều vào cuối năm 2022. Để đáp ứng tiến độ, Bộ Y tế phấn đấu có thể tiến hành thẩm định, phê duyệt các dự án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 của từng nhà sản xuất trong tháng 10-2020. Nếu vắc xin được cấp phép lưu hành sẽ chuyển sang giai đoạn hai mở rộng nhà xưởng sản xuất để hướng tới xuất khẩu vắc xin.

Bảo đảm nguồn vắc xin phòng Covid-19 đã trở thành nhiệm vụ cấp bách bảo đảm chính sách y tế quốc gia. Vấn đề lúc này là sự vào cuộc nhanh chóng của cả bộ máy và các nhà phát triển vắc xin trong nước.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO