Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:41 GMT+7

An ninh lương thực thế giới trong dịch Covid-19

Biên phòng - Đại dịch do virus SARS-CoV-2 (Covid-19) gây ra đang ảnh hưởng nhiều đến nhân loại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là an ninh lương thực cũng đang bị đe dọa trước thực trạng tích trữ, “đóng cửa” xuất khẩu tại các nước để đảm bảo nguồn cung trong nước.

lg7p_11a
Lượng dự trữ lương thực thiết yếu như lúa mì, gạo... toàn thế giới lập kỷ lục mới trong năm nay. Ảnh: Farmer Guardian

Diễn biến phức tạp của Covid-19 đang khiến hầu hết mọi quốc gia phải áp dụng những biện pháp xưa nay chưa từng có để ứng phó với dịch bệnh, trong đó, việc hạn chế xuất khẩu, hoặc cấm xuất khẩu lương thực chủ chốt được áp dụng khá phổ biến, đặc biệt là một số quốc gia đầu nguồn cung thực phẩm thiết yếu như gạo, lúa mì... Điều này gây ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể khiến nhiều quốc gia nhập khẩu lớn rơi vào cuộc khủng hoảng thực phẩm thiết yếu.

Điển hình như Nga - nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới từ cuối tháng 3 đã giới hạn xuất khẩu ngũ cốc trong vòng 3 tháng ở 7 triệu tấn trong quý II, tương ứng gần 1/2 so với thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện. Khả năng Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu có thể sẽ diễn ra khi diễn biến Covid-19 tại nước này có chiều hướng xấu. Điều này chắc chắn sẽ khiến các quốc gia tại khu vực Bắc Phi đối diện với tình trạng thiếu thốn lương thực khi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ Nga. Tương tự, Kazakhstan - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 9 thế giới đã “đóng cửa” hầu hết sản phẩm nông sản thiết yếu khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất bánh mì trên thế giới bị đình trệ vì không còn nguồn cung. 

Giới chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ ra rằng, tác động của Covid-19 trong thời gian qua chưa thực sự khiến bất kỳ quốc gia nào rơi vào tình thế “đói ăn”, song những dự báo về việc thiếu hụt thực phẩm đã tạo nên “chuỗi domino” tích trữ lương thực. Từ đó, bắt đầu gây nên sự mất cân bằng cung - cầu về thực phẩm và an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa nghiêm trọng. 

Một ví dụ điển hình là lượng gạo dự trữ toàn cầu trong năm nay dự báo sẽ lập kỷ lục khi vượt mức 180 triệu tấn, cao hơn 28% so với giai đoạn 2015-2016, trong đó, chỉ tính riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã nắm giữ tới trên 153 triệu tấn. Trên thực tế, lượng gạo này lại chỉ nằm tại một số quốc gia thay vì lưu thông hài hòa như thường lệ và sẽ tác động rất mạnh tới nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn gạo nhập khẩu. Điển hình như Philippines (nước nhập khẩu gạo lớn nhất châu Á-châu Phi) hay Indonesia (nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới) hiện chỉ có lượng gạo trong nước đủ dùng trong khoảng 2 tháng tới.

Mặc dù phần lớn các quốc gia “chạy đua” tích trữ lương thực, nhưng nhiều nước vẫn cho thấy sự đoàn kết, hợp tác, tạo ra những tín hiệu tốt. Nổi bật như Australia, Canada, Chile, New Zealand, Myanmar, Brunei và Singapore... ký kết hiệp ước đặc biệt vào cuối tháng 3 nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng và thương mại không bị gián đoạn.

Giới chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá, Covid-19 có thể gây ra khủng hoảng lương thực tương tự như giai đoạn 2007-2008 nhưng ở mức độ nhẹ hơn và nhiều khả năng chỉ diễn ra trong một vài tháng. Bởi lẽ, khác biệt với các cuộc khủng hoảng trước đây, nguồn thực phẩm trên thế giới vẫn khá dồi dào nhưng chỉ không thể giao thương bởi các chính sách phong tỏa. 

Tình hình dịch bệnh đang có nhiều tín hiệu tích cực dự báo sẽ sớm được kiểm soát trên toàn cầu. Nhờ đó, các chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực cũng sẽ sớm dừng lại và ổn định chuỗi cung ứng. 

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO