Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

An ninh lương thực

Biên phòng - “Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống” - Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay khi Bộ Công thương kiến nghị cho phép xuất khẩu gạo để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp.

ttxvn-anninhluongthuc
Nông dân thu hoạch lúa mùa. Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa gạo năm 2020 dự kiến bằng với năm 2019 (43,8 triệu tấn), nhu cầu tiêu thụ trong nước đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn lúa. Như vậy, lượng còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Tín hiệu lạc quan là, trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, vụ đông xuân vừa qua, riêng vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch hơn 10 triệu tấn lúa. Sau khi trừ đi các nhu cầu, lượng gạo có thể xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn.

Vì thế, nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã có văn bản kiến nghị cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo để giảm bớt khó khăn cho người nông dân. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để xuất khẩu gạo vì giá gạo thế giới đang tốt, trong khi Việt Nam không thiếu gạo.

Sau khi đã dự trù bảo đảm an ninh lương thực (dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn), Bộ Công thương kiến nghị cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng. Theo đó, hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 và tháng 5 dự kiến vào khoảng 800.000 tấn (giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Công thương cần xây dựng kế hoạch xuất khẩu lâu dài theo hướng tăng lượng lương thực dự trữ so với mọi năm. Trong đó, nhất thiết phải xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, thậm chí đến hết năm 2020. 

Khi có kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để xây dựng phương hướng phát triển trung và dài hạn, đồng thời tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu với các đối tác một cách hợp lý, nâng cao giá trị xuất khẩu gạo. Qua đó sẽ giúp ngân sách Nhà nước tăng nguồn thu, tạo cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam sớm phục hồi sau dịch Covid-19.

Nhất trí với kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ lưu ý: Chúng ta xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới, nhưng an ninh lương thực chỉ xếp 57/113 quốc gia. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo. Phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia một cách vững chắc trong mọi tình huống.

Thực tế, an ninh lương thực luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Đất nước ta với quy mô dân số gần 100 triệu người, thì đảm bảo an ninh lương thực càng là vấn đề hệ trọng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 thế giới nên có trách nhiệm lớn đóng góp cho an ninh lương thực thế giới. Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và có nhiều chính sách tốt để phát triển sản xuất bền vững. 

Song, trong khi nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo có những điều chỉnh quan trọng về chính sách nông nghiệp trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt và dịch Covid-19 gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng cần phải xử lý dứt điểm những “nút thắt” đang khiến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn nhỏ lẻ, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, thiếu bền vững.

Do vậy, thay đổi tư duy sản xuất và xuất khẩu gạo là cần thiết và phải đảm bảo nguyên tắc: An ninh lương thực và nâng cao thu nhập người trồng lúa. Việc đảm bảo an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế, mà còn là đảm bảo an sinh xã hội, gồm đảm bảo nguồn cung, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO