Biên phòng - Trên vùng biên giới Kon Tum, Thượng úy Nguyễn Doãn Quân, quân y của Đồn Biên phòng Mo Rai, BĐBP Kon Tum từ lâu đã trở thành niềm tin của người dân biên giới mỗi khi đau ốm, bệnh tật. Anh cũng là ân nhân của không ít người dân và cán bộ lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia.
Nhìn vẻ bề ngoài trầm ngâm, kiệm lời, mọi người dễ lầm tưởng Thượng úy Quân là người khó gần. Kỳ thực, bản tính anh ít nói. Anh ít khi nói về mình và càng không quen nói những lời hoa mỹ. Ở con người anh toát lên vẻ chân thực, mộc mạc và mỗi lần ai đó hỏi chuyện, thay vì nói về mình, anh say sưa kể về những kỷ niệm khó quên trong nghề chữa bệnh cứu người. Bởi thế, như một lẽ tự nhiên, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ kỷ niệm cứu một cán bộ lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia thoát khỏi trận sốt rét ác tính.
Đầu năm 2015, một cặp vợ chồng người Campuchia tới Đồn Biên phòng Mo Rai xin thuốc uống. Người vợ đang mang bầu, còn người chồng sốt rất cao (sau này, anh Quân mới biết bệnh nhân tên là Mạ Muông). Cho thử test nhanh, phát hiện ký sinh trùng sốt rét, anh Quân giải thích cho họ hiểu tác hại và hậu quả của bệnh sốt rét có thể dẫn tới tử vong. Người vợ chủ quan nói rằng ở nhà chồng tôi bị như thế này nhiều lần rồi, nhưng không sao, hết sốt sẽ khỏe lại. Anh Quân cho họ thuốc điều trị sốt rét kết hợp với thuốc chống tái nhiễm, dặn dò rất kỹ cách sử dụng thuốc và thời gian điều trị.
Một thời gian sau, người vợ lại đưa chồng sang tìm gặp y sĩ Quân trong tình trạng gần như mê man bất tỉnh, gọi không trả lời, mặt tím tái. Anh Quân nhớ lại: “Tôi đo nhiệt độ thấy lên tới 410C, có biểu hiện co giật. Lập tức, tôi lấy chiếc muỗng nhôm đưa vào miệng Mạ Muông nhằm ngăn anh ấy co giật cắn vào lưỡi. Tôi thử test nhanh, phát hiện anh ấy bị tái nhiễm ký sinh trùng sốt rét mức 3+, tức là sốt rét ác tính. Thời điểm đó, bệnh nhân bị co giật rất nặng. 3 chiến sĩ mới giữ được chân tay bệnh nhân để tôi thực hiện các thao tác xử lý cấp cứu. 2 tiếng đồng hồ sau, cơn co giật của bệnh nhân mới dịu xuống. Tới 1 giờ chiều, Mạ Muông mới dần hồi tỉnh. Chiếc muỗng trong miệng anh ấy hằn rõ vết 2 hàm răng”.
Khi sức khỏe đã ổn định, Mạ Muông về nhà điều trị. Kể từ đó, Mạ Muông coi anh Quân là ân nhân cứu mạng của mình. Điều khiến anh Quân cảm động và bất ngờ là trước khi chuyển tới địa phương khác công tác, vợ chồng Mạ Muông tới Đồn Biên phòng Mo Rai chào tạm biệt y sĩ Quân. Mạ Muông ngỏ ý muốn xin chiếc muỗng có hình vết răng của mình về làm kỷ niệm với lời bộc bạch: “Nếu không có y sĩ Quân và các cán bộ Biên phòng có lẽ tôi mất mạng rồi. Vợ chồng tôi cảm ơn BĐBP Việt Nam đã cứu sống tôi. Tôi chỉ muốn được xin chiếc muỗng làm kỷ niệm, để luôn nhớ về các anh”.
Mạ Muông chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân mà Thượng úy Quân lưu giữ lại tên trong cuốn sổ nhật ký khám chữa bệnh của anh. Có những người mắc bệnh mà không biết, được anh phát hiện, chữa bệnh một cách rất tình cờ. “Một lần đi xuống địa bàn, tôi nhìn thấy một cháu nhỏ đang chạy nhảy, nô đùa. Tôi nhìn thoáng qua thấy cháu có biểu hiện bị bệnh quai bị. Tôi dừng lại khám cho cháu bé. Xác định chính xác cháu bị mắc quai bị, tôi liền hướng dẫn mẹ cháu cách chăm sóc để tránh bị biến chứng” – Anh Quân kể.
Địa bàn Đồn Biên phòng Mo Rai phụ trách heo hút, cách trung tâm huyện hơn 40km, đường đi lại rất khó khăn. Phía bên kia biên giới là nước bạn Campuchia còn hoang vắng, thiếu thốn đủ thứ, đi lại khó khăn gấp bội. Với đặc thù dịch vụ y tế còn rất hạn chế, người dân biên giới, đặc biệt là cán bộ thuộc lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia không may bị đau ốm, bệnh tật thường trông cậy vào tay nghề của Thượng úy Quân.
Với bất cứ người bệnh nào, anh cũng tận tâm giúp đỡ. Vì bệnh nhân, anh luôn sẵn lòng đi đêm, về hôm, đội nắng, đội gió, miễn là làm được điều tốt nhất cho bệnh nhân. Thượng úy Quân chia sẻ: “Vùng biên này xa trung tâm y tế, không có cán bộ chuyên môn hỗ trợ nên tôi phải ráng hết sức để tránh điều đáng tiếc cho bệnh nhân”.
Có hai điều ở Thượng úy Quân khiến tôi cảm phục là đức tính khiêm tốn và sự tận tâm, tận lực với công việc. Trực tiếp chứng kiến anh lo lắng chăm sóc cho 5 người Campuchia bị tai nạn lật xe hồi tháng 3 năm nay, tôi cảm nhận rõ hơn tinh thần hết lòng vì người bệnh của anh. Tối 18-3, Đồn Biên phòng Mo Rai tiếp nhận liên tiếp 5 người thuộc lực lượng xây dựng mốc biên giới của Quân đội Hoàng gia Campuchia bị thương do lật xe chở vật liệu xây dựng. Cả 5 người đều rơi vào trạng thái hoảng sợ, vật vã, đau đớn.
Trong số những người bị nạn, có 3 người bị gẫy xương chân, máu chảy nhiều, có biểu hiện sốc do mất máu, một phụ nữ bị thương ở đầu và một phụ nữ có bầu bị đau bụng có biểu hiện choáng. Lần đầu tiên tiếp nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân bị đa chấn thương, nhưng anh Quân không mất bình tĩnh. Với sự trợ giúp của đồng đội, anh nhanh chóng nẹp cố định chỗ xương gãy, băng bó, cầm máu các vết thương hở, ổn định tâm lý cho bệnh nhân. “Lúc đó, tôi lo nhất là người phụ nữ mang bầu. Tôi chỉ lo chị ấy bị sẩy thai” – Anh Quân nói.
Sơ cứu cho bệnh nhân xong, anh cùng chỉ huy đơn vị đưa 5 bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Họ đi xuyên đêm tới Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai (tỉnh Gia Lai), trực tiếp làm thủ tục nhập viện cho 5 bệnh nhân rồi túc trực tại đó cho tới trưa hôm sau. Thượng úy Quân cùng đồng đội tới từng phòng bệnh tìm gặp bệnh nhân hỏi thăm sức khỏe. Nhìn thấy anh, chị Chương Sro vui mừng như gặp lại người thân. Bất đồng ngôn ngữ, họ nói chuyện với nhau bằng cử chỉ, hành động. Chị Sro cười tươi, chỉ vào bụng bầu của mình ý nói, em bé không bị ảnh hưởng gì bởi tai nạn. Tôi nhìn sang Thượng úy Quân, thấy rõ một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt anh.
Khi biết cả 5 người bệnh đều có tiến triển tích cực, anh Quân cùng với những người đồng đội của mình mới yên tâm trở về đơn vị. Có lẽ, anh sẽ không bao giờ quên lần thử thách tay nghề bất ngờ này.
Bích Nguyên