Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 09:22 GMT+7

Ấn Độ được gì khi vững bước trên Mặt trăng?

Biên phòng - Việc Ấn Độ tự kết nạp mình vào “câu lạc bộ” 4 cường quốc thành công hạ cánh trên Mặt trăng (cùng Nga, Mỹ và Trung Quốc) không chỉ là sự kiện lịch sử của nước này, mà còn của cả nhân loại.

Truyền hình trực tiếp khoảnh khắc tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đổ bộ lên Mặt trăng bên khán phòng của Bảo tàng thành phố khoa học Gujara, thành phố Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 23/8/2023. Ảnh: Reuters

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đổ bộ thành công lên Mặt trăng vào ngày 23/8/2023, sau hành trình kéo dài 40 ngày kể từ khi khởi hành. Dù đã hơn 1 tuần trôi qua, song câu chuyện về hành trình và kỳ vọng của tàu Chandrayaan-3 vẫn là một trong những tiêu điểm hàng đầu trên truyền thông quốc tế những ngày qua.

Sứ mệnh Chandrayaan được Ấn Độ thử sức với việc phóng lên Mặt trăng tàu Chandrayaan-1 vào năm 2008 và tàu Chandrayaan-2 vào năm 2019, tuy nhiên, cả hai lần đều thất bại. Đúc rút bài học thực tế với hiệu quả cao, tàu Chandrayaan-3 đổ bộ thành công đã khẳng định cho bước tiến lớn vượt bậc đáng tự hào về khoa học công nghệ vũ trụ của Ấn Độ. Đồng thời tạo tiền đề và động lực cho chính phủ nước này thúc đẩy đầu tư vào các sứ mệnh không gian.

Điểm khác biệt trong thành công của Ấn Độ so với 3 cường quốc trước đây thể hiện ở việc tàu Chandrayaan-3 đổ bộ và khám phá cực Nam của Mặt trăng. Điều này giúp Ấn Độ là quốc gia duy nhất thành công với việc khám phá khu vực vốn có điều kiện tự nhiên phức tạp hơn và ẩn chứa nhiều điều chưa được khám phá so với những người tiền nhiệm.

Theo giới chuyên gia, Ấn Độ đang ôm tham vọng vô cùng lớn, đặc biệt có thêm nhiều kỳ vọng khi tàu Chandrayaan-3 đổ bộ thành công lên khu vực mới được khám phá của Mặt trăng. Đặc biệt, hầu hết các khâu trong toàn bộ dự án Chandrayaan-3 được thực hiện tại Ấn Độ, nên các nhà khoa học nước này có thể tận dụng lợi thế để tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới.

Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết, nước này tiếp tục phóng một tàu vũ trụ khám phá Mặt trời mang tên Aditya-L1 vào đầu tháng 9/2023, hướng tới mục tiêu quan sát từ xa về quầng mặt trời và quan sát tại chỗ về gió mặt trời.

Giới khoa học cũng chỉ ra rằng, việc đạt được thành tựu trên vũ trụ sẽ mang lại những lợi ích thực tế với nền kinh tế của các quốc gia. Thậm chí, lợi ích hàng ngày từ những nỗ lực không gian trước đây đã được ứng dụng mạnh mẽ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người, điển hình như khả năng truy cập internet gần như toàn cầu của Starlink cung cấp cho giáo dục; những tiến bộ trong sản xuất năng lượng mặt trời và công nghệ y tế; dữ liệu toàn cầu về hình ảnh, định vị, dẫn đường vệ tinh... Thế giới thực sự đang trong giai đoạn tăng trưởng theo cấp số nhân của nền kinh tế vũ trụ.

Sau khi tạo được dấu ấn và thương hiệu của sứ mệnh Chandrayaan-3, Ấn Độ chắc chắn sẽ đẩy mạnh chinh phục vũ trụ như một trong những ngành kinh tế tiềm năng cho quốc gia Nam Á này. Cùng với đó, Ấn Độ cũng sẽ trở thành đối thủ “nặng ký” trong cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng lâu dài trên Mặt trăng.

Theo giới chuyên gia chính trị, việc tàu Chandrayaan-3 đổ bộ thành công lên Mặt trăng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng đối với Ấn Độ, khi quốc gia này đảm trách vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với chương trình nghị sự nhiều tham vọng. Đặc biệt là kế hoạch trở thành cầu nối giữa các nước đang phát triển, cũng như kết nối Nam bán cầu với các nền kinh tế tiên tiến thông qua G20. Việc ghi dấu ấn lịch sử của nhân loại vào thời điểm này là hành động cụ thể và hữu hiệu nhất để củng cố hình ảnh và vị thế của Ấn Độ trên thế giới.

Giới chuyên gia kinh tế quốc tế nhìn nhận, nền kinh tế Ấn Độ đứng vị trí thứ 5 thế giới và đang trong quỹ đạo tăng trưởng với tốc độ cao. Về lý thuyết, tiềm lực chính trị và kinh tế tăng trưởng đi kèm với đòi hỏi tất yếu là nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến. Sự thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3 vừa qua là lời khẳng định rõ nét cho năng lực, trình độ công nghệ cao của Ấn Độ ở nhóm hàng đầu thế giới, từ đó tạo ra cơ sở cho các kỳ vọng về mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 toàn cầu trong những năm tới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO