Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Ấn Độ bắn hạ thành công vệ tinh không gian bằng tên lửa

Biên phòng - Ngày 27-3 (giờ địa phương), lần đầu tiên Ấn Độ bắn hạ thành công một vệ tinh của nước này trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất bằng tên lửa đất đối không. Sự kiện được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định là bước đột phá trong quá trình phát triển sức mạnh không gian quân sự của New Delhi.

9eyb_anh
 Tên lửa chống vệ tinh được phóng hôm 27-3. Ảnh: PTI

Theo ông Modi, Ấn Độ là quốc gia thứ 4 sử dụng vũ khí chống vệ tinh sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Vũ khí chống vệ tinh cho phép tấn công các vệ tinh của đối phương, che khuất tầm nhìn và cắt đứt đường dây liên lạc của đối thủ, cũng như cung cấp cơ sở để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Khả năng của loại vũ khí này đã dấy lên lo ngại về việc vũ khí hóa không gian và tạo ra một cuộc đua giữa các nước.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cảnh báo, việc sử dụng vũ khí chống vệ tinh giống như vụ thử nghiệm của Ấn Độ có nguy cơ ảnh hưởng đến không gian vũ trụ khi các mảnh vụn của vệ tinh vỡ ra trong không gian.

Bộ Tư lệnh Chiến lược của quân đội Mỹ cho biết đang theo dõi hơn 250 mảnh vỡ từ vụ thử nghiệm của Ấn Độ nhằm đảm bảo các mảnh vỡ này bay vào bầu khí quyển Trái đất.

Phát biểu bày tỏ quan điểm về vụ thử nghiệm của Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này hy vọng tất cả các nước có thể bảo vệ hòa bình lâu dài trong không gian vũ trụ. Nga từ chối đưa ra bình luận. Còn nước láng giềng Pakistan cho biết, không gian vũ trụ là di sản chung của nhân loại, mọi quốc gia cần có trách nhiệm tránh các hành động quân sự hóa trên không gian.

Ấn Độ đã đầu tư vào chương trình không gian trong nhiều năm qua, trong đó phục vụ cung cấp các vệ tinh chụp ảnh Trái đất. Năm 2014, New Delhi phóng một tàu thăm dò lên Sao Hỏa và đang có kế hoạch tiến hành sứ mệnh không gian vào năm 2022. Năm 2008, Ấn Độ cũng đã thực hiện nhiệm vụ lên mặt trăng (tên gọi Chandrayaan-1).

Hà Thu (Theo Reuters)

Bình luận

ZALO