Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 03:10 GMT+7

“An cư, lạc nghiệp” trên quê hương mới

Biên phòng - Sau nhiều năm sinh sống “không có quốc tịch” với biết bao khó khăn, gần 100 công dân Lào ở xã biên giới A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương và người lính Biên phòng, những “công dân mới” này tự tin bước tiếp trên con đường đi tới tương lai.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Vao hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng chuối giúp ông Hồ Ka Đưng phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Chinh

Cuộc sống mới

Đã 4 năm trôi qua, nhưng cho đến bây giờ, trong ký ức của ông Hồ Văn Lar (thôn Pa Ling, xã A Vao) vẫn không thể quên được niềm hạnh phúc vỡ òa vào ngày ông cùng hàng trăm người Lào sống trên đất Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam. Trước đây, ông Lar cùng gia đình sống ở Lào, thấy cuộc sống khó khăn nên họ hàng rủ ông về thôn Pa Ling sinh sống.

Thế nhưng, cuộc sống không có quốc tịch cũng không hề dễ dàng. Hơn chục năm sống di cư tự do trên đất Việt Nam, dù được chính quyền địa phương, BĐBP và dòng tộc đùm bọc, chia sẻ, nhưng trong thâm tâm, ông Lar vẫn chưa thể yên tâm vì luôn mong muốn được là một công dân Việt Nam thực thụ.

Và rồi, mong ước đấy của ông Lar cũng đã trở thành hiện thực. Năm 2019, ông Lar được nhập tịch và bắt đầu cuộc sống với biết bao nhiêu niềm vui. Ông được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, được cấp đất canh tác và sống bình đẳng như bất cứ ai ở A Vao hay bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam.

Ông Lar chia sẻ: “Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, tôi rất phấn khởi. Gia đình tôi được làm giấy tờ, được cấp đất canh tác và hưởng tất cả các hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Giờ thì tôi không còn lo sợ gì nữa, tôi yên tâm sống và chứng kiến con cháu trưởng thành để được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước Việt Nam”.

Đối với đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Hòa và Hồ Thị Mai (thôn Pa Ling, xã A Vao) thì niềm vui được nhập quốc tịch còn nhiều hơn thế. Trước đó, anh Hồ Văn Hòa quen chị Hồ Thị Mai ở Lào, hai người nảy sinh tình cảm nên sau thời gian tìm hiểu đã quyết định đi đến hôn nhân. Tuy nhiên, vì thủ tục kết hôn qua biên giới rất phức tạp, 2 người không thể đủ kiên nhẫn để kết hôn đúng pháp luật. Thế là, anh Hòa và chị Mai về chung sống với nhau, được gia đình tổ chức đám cưới với sự chứng kiến của họ hàng.

Giờ đây, chị Mai đang mang thai đứa con đầu lòng nhưng không còn phải lo lắng nhiều vì chị đã được nhập quốc tịch Việt Nam, được làm thủ tục đăng ký kết hôn, con chị được đăng ký khai sinh. Đến tuổi đi học, con chị sẽ được hưởng quyền lợi như những đứa trẻ khác. Với diện tích đất được cấp, 2 vợ chồng anh chị sẽ phấn đấu làm ăn chăm chỉ, có của cải tích lũy để có thể cất nhà mới, có tiền nuôi con khôn lớn. Biết bao nhiêu dự định được đôi vợ chồng trẻ vạch ra và đang từng bước thực hiện.

Kể từ ngày được tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, những người Lào sinh sống trên địa bàn huyện Đakrông nói chung và xã A Vao nói riêng đã có thể “an cư, lạc nghiệp” trên quê hương mới. Mọi người đều có chung cảm xúc như được sinh ra lần thứ 2 vì không còn bị coi là “không có quốc tịch” nữa.

Đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà người dân đã chờ đợi bấy lâu, bởi có gia đình đã trải qua 2-3 thế hệ nhưng vẫn sống không có quốc tịch. Niềm vui ấy càng trở nên ý nghĩa đối với con cháu của những cư dân khi chính thức mang quốc tịch Việt Nam, được nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Đảng, Nhà nước, được đăng ký khai sinh, được đến trường, được khám, chữa bệnh…

Đồng hành tới tương lai

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đakrông hiện có 95 công dân được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, trong đó, riêng xã A Vao có 81 trường hợp. Cuộc sống của những công dân này như bước sang trang mới với những gam màu tươi sáng hơn.

Sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn và làm các loại giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời, được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Vao thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những “công dân mới” tại thôn Pa Ling. Ảnh: Nguyễn Chinh

Đứng chân trên địa bàn xã A Vao, thời gian qua, Đồn Biên phòng A Vao luôn bám bản, giúp đỡ người dân xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Đại úy Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao cho biết, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc chăm lo, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho các công dân mới nhập quốc tịch Việt Nam. Chỉ huy đơn vị chỉ đạo cán bộ địa bàn dành nhiều sự hỗ trợ, quan tâm hướng dẫn các hộ dân phát triển kinh tế, triển khai mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển vườn cây ăn quả. Cán bộ quân y tiến hành thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân khi ốm đau.

“Bằng cách mối quan hệ, đơn vị thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày cho bà con. Khi người dân ổn định cuộc sống, họ sẽ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” - Đại úy Nguyễn Văn Chinh khẳng định.

Đến nay, 100% số gia đình nhập quốc tịch Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đất để sản xuất, ổn định cuộc sống và một số gia đình đã hoàn thiện thủ tục nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi người có điều kiện để vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Gia đình ông Hồ Ka Đưng (thôn Pa Ling) là một trong những hộ dân đã được cấp đất canh tác và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông còn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao hỗ trợ giống chuối, dứa và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, nhà ông Đưng là một trong những gia đình có vườn cây ăn quả với diện tích lớn nhất ở Pa Ling.

“Được nhập quốc tịch Việt Nam là điều tôi mong ước từ lâu và nay còn được các chú Biên phòng giúp đỡ làm ăn, phát triển kinh tế. Tôi nhiều tuổi rồi, nhà chỉ có 2 vợ chồng, các con đã xây dựng gia đình riêng nên cũng không mong mình giàu ở tuổi này nữa. Thế nhưng, nghe các chú Biên phòng nói, tôi hiểu rằng, đây còn là trách nhiệm của một công dân biên giới. Tôi muốn làm gương cho con cháu và cũng là để khẳng định tôi đang sống và làm giàu trên quê hương mình”, ông Hồ Ka Đưng bộc bạch.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO