Biên phòng - Đối với đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, Mông, Tày… ở xã vùng cao Tả Củ Tỷ (Bắc Hà, Lào Cai), những cây chè cổ thụ vốn được mệnh danh là "vàng xanh" luôn là biểu trưng cho sự ấm no, trường tồn. Trên thực tế, hàng trăm ngàn "cụ chè" gân guốc, sừng sững, hiên ngang, rễ bám chặt vào những vách đá, đã và đang "thi gan" với thời gian để đem lại nguồn lợi cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Thế nhưng, xung quanh loại cây đặc sản quý hiếm này vẫn còn nhiều chuyện để bàn.
|
Còn rất nhiều việc phải làm để những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trở thành hình ảnh đại diện của một vùng đặc sản. Ảnh: Mạnh Hưng |
Ở độ cao trên 1.500m so mới mực nước biển, xã Tả Củ Tỷ không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành mát mẻ, mà còn được "trời ban" cho những cây chè Shan tuyết cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm có hương vị thơm ngon lạ lùng so với những loại chè khác. Điều đặc biệt là giống chè quý này mọc hoàn toàn tự nhiên, "trơ gan cùng tuế nguyệt" ở nơi khí hậu quanh năm sương mù bao phủ.
Say sưa nói về "sự lạ" của những "cụ chè" đã tồn tại nơi mình sinh sống bao đời nay, ông Ly Seo Páo, Trưởng thôn Tả Củ Tỷ cho biết, hiện trên địa bàn xã Tả Củ Tỷ có gần 26 nghìn cây chè cổ thụ, cao từ 3 - 5m, tập trung chủ yếu ở 6 bản: Sảng Mào Phố, Ngải Thầu, Sả Mào Phố, Sông Lẫm, Sín Chải và Tả Củ Tỷ. Chẳng ai biết chính xác những cây chè này có từ khi nào, chỉ biết, từ bao đời nay, người dân ở đây vẫn sống cùng chúng bằng sự chung thủy hết mực.
Không sử dụng hóa chất nên chè Shan tuyết Tả Củ Tỷ có màu nước đẹp, khi pha nước chè có màu xanh nhạt quyện lẫn màu vàng nhạt như mật ong rừng, khi uống có vị thơm, ngọt thanh, mát dịu khác hẳn so với nhiều dòng chè khác. "Với người Tả Củ Tỷ chúng tôi, những cây chè có giá trị hơn cả tiền bạc vì nó thể hiện nét văn hóa, tinh thần của cuộc sống với cây cỏ, thiên nhiên. Vậy nên họ luôn coi những "cụ chè" là vật báu không chỉ của mỗi gia đình, mà còn của cả cộng đồng..." - ông Páo cho biết.
Cũng theo ông Páo, trên vùng Tây Bắc hiện còn khá nhiều cây chè cổ thụ nhưng nơi có mật độ "cụ chè" tập trung cao như ở Tả Củ Tỷ thật không dễ tìm. Ông Páo bấm đốt ngón tay nhẩm tính: Hiện nay, chè búp tươi loại một được thu mua từ 14-15 nghìn đồng/kg. Loại kém hơn được bán với giá trên dưới 10 nghìn đồng/kg. Ở Tả Củ Tỷ, tính ra, chè là cây cho thu nhập khá cao so với các loại cây khác.
"Tại sao không đầu tư trồng thêm chè để làm giàu?" - chúng tôi đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời từ ông Páo: "Còn nhiều việc lắm! Búp chè Shan tuyết được hái trên núi cao rất quý, nhưng với cách làm chè thủ công như hiện nay của người dân ở Tả Củ Tỷ rất khó có thể nâng cao giá trị sản phẩm. Đến bây giờ, việc chăm sóc cây chè, đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn mang tính chất tự phát của các gia đình nên chất lượng không cao…".
Đến câu chuyện "đầu tư xứng tầm"
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước kia, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết trông chờ vào thu nhập từ ngô, lúa, mặc dù trong vườn, nương có khá nhiều cây chè cổ thụ. Nhưng bây giờ thì khác, gặp nhau, người ta thường bàn chuyện về chè. Tuy thu nhập chưa thực sự nhiều, song bà con ở Tả Củ Tỷ đều phấn khởi, bởi chè đang phát triển tốt, theo hướng hàng hóa.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng A Pó, nhà ở bản Sảng Mào Phố, chủ một nương chè cổ thụ gần 300 gốc cho biết, từ nguồn đầu tư của Chương trình 30a và sự quan tâm của chính quyền địa phương, vùng chè Shan tuyết Tả Củ Tỷ đã dần được đánh thức sau một thời gian dài bị bỏ quên. "Gắn bó với nương chè từ khi con nhỏ, đến nay đã quá nửa đời người, bây giờ tôi mới thấy giá trị "xóa đói giảm ngèo" của nó. Nhà tôi hầu hết là loại chè cao tuổi nên búp hái về thường bán được với giá cao..." - anh Pó khoe.
![]() |
Thu hoạch chè cổ thụ ở Tả Củ Tỷ. Ảnh: Mạnh Hưng |
Trên thực tế, trên "bản đồ chè" vùng Tây Bắc, sự xuất hiện của hình ảnh những cây chè Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ không chỉ mang lại nguồn thu, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, quảng bá hình ảnh đầy tiềm năng của vùng cao Bắc Hà nói riêng, Lào Cai nói chung. Chính vì vậy, khi chính quyền, doanh nghiệp vào cuộc triển khai dự án liên kết, cùng gìn giữ, xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất chè hữu cơ thì giá trị vùng chè Tả Củ Tỷ sẽ được nhân lên, búp chè hái từ núi rừng cực Bắc mới vươn xa tới những thị trường trong và ngoài nước.
Rõ ràng, cây chè cổ thụ ở vùng cao Tả Củ Tỷ đang cần đầu tư xứng tầm. Chè ở đây đã được các chuyên gia ngành chè trong và ngoài nước đánh giá rất cao, không những về giá trị kinh tế, văn hóa, mà còn về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe.
Thế nhưng, như trên đã nói, cây chè Shan tuyết cổ thụ quý hiếm này đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, để đưa loại cây này trở thành "công cụ" xóa đói, khởi giàu cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nói theo cách của Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ, Nguyễn Ngọc Hải thì công tác bảo tồn và phát triển chè cổ thụ ở địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các ban ngành chức năng.