Biên phòng - Đến thời điểm hiện nay, bà con ngư dân vẫn thực hiện việc đóng tàu theo những quy trình ngược, dẫn đến tự làm khó cho mình. Còn các kỹ sư đóng tàu thì chia sẻ: "Bà con chỉ cần xem sản phẩm của công ty để đánh giá năng lực, họ đã đóng được tàu cỡ nào?". Phóng viên báo Biên phòng đã có nhiều cuộc trao đổi, phỏng vấn, qua đó giúp ngư dân có thêm kinh nghiệm, đưa "tàu 67" vượt cạn.
Bài 3: Gỡ "nút thắt" để vươn khơi
Ngư dân tìm điểm tựa
Thuyền trưởng Phan Thu, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, vừa hạ thủy tàu vỏ thép chia sẻ kinh nghiệm: "Trước tiên, ngư dân phải tin vào công ty đóng tàu. Đơn vị mà tôi thuê đóng tàu là Công ty Hải Sơn, họ hướng dẫn bà con rất tận tình, chúng tôi rất tin tưởng đơn vị này". Đại diện Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Nha Trang chia sẻ: "Bà con ngư dân đến đóng tàu được công ty hỗ trợ tư vấn như người nhà. Bà con nên yên tâm, vì công ty rất muốn sản phẩm của mình phải uy tín, chất lượng, tàu hoạt động có độ bền".
Quá trình đóng tàu, có ngư dân thuê giám sát A độc lập để giám sát quá trình đóng tàu, có ngư dân không thuê giám sát A. Nhưng nói chung, tâm lý bà con cho rằng, "vẫn chưa thực sự yên tâm và cho rằng, giám sát A cũng là người nhà của công ty đóng tàu". Theo ngư dân, Cục Đăng kiểm mới chính là người nhà và luôn bảo vệ ngư dân, đó là chỗ dựa tin cậy nhất của bà con.
Điều mà ngư dân băn khoăn nhất là sợ công ty đóng tàu có sử dụng đúng loại thép A theo thiết kế? Các kỹ sư cho biết, ngư dân có thể kiểm tra sê-ri trên thép và kèm thêm ký tự riêng đánh dấu trên thép tấm. Nói chung, vấn đề này thì bà con không nên quá lo lắng. Nếu có gì thắc mắc thì đơn vị sẽ tư vấn, hoặc giúp ngư dân mang mẫu đi kiểm định chất lượng.
Ngư dân Trần Văn Liên, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đóng tàu vỏ thép được 2 tháng cho biết: "Nhìn chung, với trình độ của ngư dân thì khó có thể gọi là giám sát được. Ngư dân phải luôn có mặt tại công trường và nên thuê thêm kỹ sư tới trông coi cho yên tâm".
Còn ông Đỗ Hồng Phước, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ và khai thác xa bờ thủy sản Nghĩa An, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: "Bà con ngư dân nên tìm hiểu diện tích của công ty đóng tàu, lực lượng kỹ sư đóng tàu, thiết bị đóng tàu, nhờ cơ quan tài chính thẩm định vốn pháp định và nợ xấu của công ty".
Tìm người ngã giá
Trong bài đăng ở kỳ báo trước, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Huế (Anh hùng Lao động, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) về kinh nghiệm tổ chức đóng tàu. Qua đó, giúp ngư dân học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Hiện nay, Quỹ hỗ trợ ngư dân tiếp tục hạ thủy 1 tàu dịch vụ nghề cá và đang đóng mới thêm 2 chiếc khác. Thông tin trao đổi từ đại diện Quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ giúp cho bà con thêm kiến thức đóng tàu.
Một trong những bước rất quan trọng mà hiện nay, các ngư dân đã bỏ qua, dẫn đến suy diễn võ đoán, gây ra tâm lý nghi ngờ, bất an, đó là, khi tiến hành đóng tàu thì nên thuê công ty thẩm định giá độc lập, tiến hành báo giá từng thiết bị. Đây là cơ sở để đàm phán với nhà thầu để hạ thấp giá thành, áp giá sát và chốt giá. Ngay từ đầu, bản thiết kế phải được bổ sung hoàn chỉnh, có sự góp mặt của kỹ sư, ngư dân, nhà máy. Sau đó, bắt tay vào đóng. Nhờ sự góp ý sâu sát nên tàu có nhiều ưu điểm.
Thực tế hiện nay, một số tàu vỏ thép đóng sau đã có những cải tiến hợp lý hơn như bố trí lan can trên tầng 3 trước buồng lái thuyền trưởng rộng rãi để dễ di chuyển, bố trí bếp và toa-lét phù hợp, giường nằm 2 tầng tạo không gian thoáng mát. Tuy nhiên, vẫn có một số tàu hiện nay bố trí một chiếc giường choán hết cả phòng, buồng lái. Khi tàu vận hành trong điều kiện thời tiết xấu thì ngư dân đi lại để thao tác rất khó khăn.
Thứ hai là, hồ sơ, thiết kế, bản vẽ, phải chi tiết, không thiếu bất cứ một bộ phận nào. Hồ sơ đóng tàu vỏ thép phải trả lời được tất cả các câu hỏi đó là vỏ tàu như thế nào, đóng bằng thép gì, xuất xứ của thép? Kho hầm ra sao, hầm tàu rộng bao nhiêu để không tạo ra kích thước lỡ cỡ khi xếp khay cá, phòng của ngư dân thiết kế như thế nào? Hợp đồng đóng tàu chia từ 5 đến 7 giai đoạn. Kết thúc mỗi giai đoạn thì tiến hành nghiệm thu, quyết toán kinh phí từng phần. Máy tàu được ký hợp đồng riêng…
Thứ ba là, việc thi công từng gói phải được ấn định thời gian hoàn thành, nếu làm chậm thì phải bồi thường. Làm như vậy thì ngư dân mới có được chiếc tàu chất lượng thật tốt, còn phía nhà thầu không dám làm sơ sài. Đặc biệt, khi họ đóng tàu tốt cho mình thì họ có tiếng thơm, thu hút được nhiều khách hàng.
Kinh nghiệm từ 7 tháng vận hành
Đến thời điểm hiện nay, 2 tàu vỏ thép của Quỹ hỗ trợ ngư dân đã đi vào hoạt động được 7 tháng, các ngư dân đều nhận xét "tàu vận hành êm, an toàn, không bị trục trặc, gặp sóng cấp 7 tàu vẫn hoạt động bình thường và không bị chao lắc mạnh”. Ca bin thuyền trưởng thiết kế độ cao hợp lý nên rất dễ điều khiển, dù gặp thời tiết xấu. Các ngư dân chia sẻ rằng: "Hy vọng mẫu tàu này sẽ được các ngư dân lựa chọn để ra khơi đánh bắt thuận lợi".
Khi được phỏng vấn, phần lớn ngư dân đều kiến nghị: Địa phương nên thành lập tổ tư vấn để giúp bà con đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ngư dân tự mày mò đóng tàu mà thiếu hiểu biết thì có nguy cơ rơi vào vết xe đổ của dự án đánh bắt xa bờ trước đây.
Một trong những thói quen mà ngư dân cần khắc phục, đó là thích sắm máy cũ để nhanh trả nợ. Nhưng đến thời điểm hiện nay, bà con đã nhận ra ưu điểm quá lớn của máy mới. Ngư dân Huỳnh Luận, Thuyền trưởng tàu thép QNg 94359 TS cho biết: "Bình quân một phiên biển 20 ngày, ngư dân tàu vỏ thép tiết kiệm khoảng 1.000 lít dầu so với tàu vỏ gỗ có công suất nhỏ hơn gần gấp đôi, hoạt động cùng thời gian. Mỗi năm đi biển hơn 10 phiên, lợi trên 10 ngàn lít dầu. Số tiền này giúp ngư dân nhanh chóng hoàn nợ vốn vay".
Bên cạnh đó, tàu vỏ thép nên lắp đặt hệ thống định vị, ra-đa cảnh báo. Vì khi ngư dân ngủ thì ra-đa "thức" và luôn phát còi cảnh báo, nếu có tàu đi gần gây nguy hiểm. Khi ngư dân vận hành trong điều kiện sương mù, mưa to, tầm quan sát hạn chế, thì ra-đa trở thành con mắt dẫn đường, bà con không còn phải lo việc bị tàu lạ đâm húc. Theo các ngư dân, đây là những kinh nghiệm giúp bà con vận hành tàu an toàn, tổ chức đóng tàu đúng quy trình, tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, bảo đảm chất lượng tàu tốt nhất.
Lê Văn Chương