Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 07:30 GMT+7

"Tàu 67" vượt cạn

Biên phòng - Bốn tháng ròng rã rồi, ngân hàng chưa động tĩnh gì.... 7 tháng rồi, họ điện bảo trả hồ sơ... tàu anh sắp xong mà ngân hàng báo không chấp nhận dự án!. Đi đâu cũng nghe ngư dân kêu than não ruột vì bỏ biển ngồi chờ ngân hàng. Nhiều ngư dân than thở: "Mình thì đếm từng ngày, còn tiến độ giải quyết, của ngân hàng thì đếm từng tháng".

c5b8_15a
Nhóm hộ ông Nguyễn Tấn Cảo chạy ngược chạy xuôi
nhưng vẫn chưa vay được vốn đóng tàu.

Bài 2: Ngồi tính giờ chờ ngân hàng

Tàu đây, tiền đâu?

Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ký kết 25 hợp đồng tín dụng hỗ trợ cho 25 hộ, nhóm hộ ngư dân vay vốn với số tiền 249,5 tỷ đồng, giải ngân trên 95,8 tỷ đồng. Quảng Nam được Chính phủ phân bổ 92 tàu (53 tàu vỏ gỗ, 30 tàu vỏ thép và 9 tàu dịch vụ hậu cần).

Vợ chồng ngư dân Phạm Đạo, ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành mừng vì danh sách tỉnh Quảng Nam xét duyệt đợt 5 có tên mình. Ngân hàng Vietcombank đến tiếp cận và xem xét. Vợ chồng ông Đạo như người ngồi trên đống lửa, vì cả tháng trôi qua rồi mà vẫn không thấy động tĩnh gì. Tuần nào cũng lên ngân hàng "hỏi dồn dập" và được hứa "ráng chờ, để gặp giám đốc…".

Trong thời gian chờ đợi, vợ chồng ông Đạo đã chọn được ngày tốt và quyết định đóng tàu, vì nhiều ngư dân cũng chọn kiểu đóng rồi tính sau. Tàu gỗ dài 31,6 mét, cao 3,2 mét, máy 822 mã lực, tổng dự toán 9,2 tỷ đồng. Choáng váng hơn là, sau 4 tháng nghiên cứu hồ sơ, ngân hàng đã điện thoại cho vợ ông Đạo và thông báo "không giải quyết". Trong khi tàu thì sắp xong. Ông Đạo thốt lên "họ chỉ trả lời miệng qua điện thoại và nói dài nhằng nên không rõ vì sao". 

 "Mệt mỏi, nản chí, thả tay", đó là cụm từ dành cho những ngư dân ở tỉnh Quảng Nam ròng rã theo ngân hàng, để xin được vay vốn Nghị định 67. Về phía ngân hàng thì cũng lo lắng, vì ngư dân đóng tàu theo kiểu xây dựng nhà, cứ thỉnh thoảng lại theo ý nhà thầu, phát sinh thêm, rồi chỉnh sửa, thêm tiền, ra Hà Nội xin cấp phép.

Tàu của ngư dân Phan Thu, Trần Công Chi và nhiều bản dự toán thiết kế khác ở Quảng Nam đã bổ sung thêm hạng mục phủ boong và thành tàu bằng nhựa composite để chống nóng, đứng làm lưới không trơn trượt. Giám đốc một công ty đóng tàu ở TP Hồ Chí Minh đã cười lớn và cho rằng, không ai làm như vậy. Vì composite phủ trên tàu gỗ, mặt phẳng nhám nhưng vẫn phải đóng rất nhiều đinh để tạo mấu bám. Còn trên tàu vỏ thép phẳng lỳ thì nhựa không có điểm bám, rất nhanh bong và nước mặn sẽ ngấm dần vào bên dưới làm cho tàu càng nhanh mục nát (!?).

Hiện nay, có công ty đóng tàu chỉ vận dụng bằng cách thả thêm vài miếng lót bằng gỗ trên nền boong, để ngư dân vẫn quen với cảm giác tàu gỗ. Còn tàu thép ở Quảng Ngãi, sau nhiều tháng hoạt động, ngư dân chỉ cần mang dép và giày chống trượt khi đi ra ngoài boong và đánh bắt bình thường.

7 tháng… bằng 0

Ở xóm Cát, xã Bình Nam, ngư dân Nguyễn Tấn Năm ngồi vò đầu than trời vì chưa được giải ngân vay vốn đóng tàu, trong khi anh em ngư dân đã đóng tiền cọc để mua lưới 161 triệu đồng. Tình cảnh của ông Năm cũng là hoàn cảnh chung của nhiều ngư dân khác ở miền Trung.

Xã Bình Dương và Bình Minh là 2 địa phương có nghề cá phát triển của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Còn xã Bình Nam cũng nằm trên trục, nhưng ngư dân ở đây bao đời vẫn nghèo. Khi triển khai Nghị định 67, các ngư dân nghèo đã thực hiện phương châm "3 cây chụm lại", thành lập nhóm để hùn tiền, góp sức vay vốn. Nhóm của ngư dân Nguyễn Tấn Năm có 4 người, nhóm của ngư dân Nguyễn Tấn Cảo có 3 người.

Cách đây gần một năm, các ngư dân nhanh chóng mang hồ sơ lên xin vay vốn Ngân hàng Agribank. Đúng 2 tuần sau, ngân hàng thẩm định và trả lời rất nhanh, "đề nghị các ngư dân rút hồ sơ về bổ sung". Các ngư dân tiếp tục bổ sung hồ sơ và chạy sang Ngân hàng Vietcombank. Ngân hàng này xem xét hồ sơ và lắc đầu từ chối vì ngư dân chưa hoàn tất thủ tục. Các ngư dân thấy Ngân hàng Viettinbank có vẻ nhiệt tình nên gởi gắm và nói rằng "hy vọng quá tam ba bận".

Vậy rồi, ngày qua tháng lại, cứ hằng tuần, các ngư dân lại phân công nhau tới gõ cửa Viettinbank. Ngư dân nổi nóng kể lại: "Họ cứ nói ni, nói tê, răng các anh phát sinh hoài". Sau 7 tháng hồ sơ nằm tại Viettinbank, ngày 10-9-2015, đơn vị này chính thức trả lời bằng văn bản là "từ chối chấp thuận đầu tư dự án này".

Viettinbank đã đặt ra 4 vấn đề, trong đó nhấn mạnh rằng, dự toán của tàu chỉnh sửa 2 lần nên số tiền phát sinh thêm 1,3 tỷ đồng (12,415 tỷ lên 13,744 tỷ) từ việc tráng composite boong, hầm tàu và thêm mấy chục mét lưới mà chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, chưa chứng minh được nguồn tài chính bổ sung.

Bên cạnh đó, Viettinbank cũng đặt vấn đề, số hộ ngư dân nghèo này chưa có kinh nghiệm làm chủ tàu. Khi phóng viên gặp gỡ các hộ này, bà con cho biết, 7 ngư dân này phần lớn xấp xỉ tuổi 40, có kinh nghiệm đi biển từ 15 đến hơn 20 năm. Tuy nhiên, hồ sơ của các ngư dân bổ sung 2 lần đã làm khó cho ngân hàng.

Bất cập của việc đóng "tàu 67" mà nhiều ngư dân chưa tính tới, đó là chịu thuế VAT 10%. Thuyền trưởng Trần Công Chi ở tỉnh Quảng Nam, đóng tàu 12,319 tỷ đồng đã phải nộp thuế VAT hơn 1,2 tỷ. Đối với số hộ này thì 1,2 tỷ là quá lớn.

m5bj_15b
Tàu ngư dân Phan Thu chuẩn bị đi biển chuyến đầu tiên sau 15 tháng chờ có tàu mới.

Hụt hơi nên xin rút

Ngày 25-11-2015, Nghị định 89 sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Nghị định 67, riêng tỉnh Quảng Ngãi có 23 ngư dân xin rút khỏi dự án vì nhiều lý do. Ngư dân Lê Văn Thức ở xã Nghĩa Phú (Quảng Ngãi) tham gia đóng tàu vỏ gỗ cho biết, thời gian vay ưu đãi chỉ 11 năm, trong khi tàu thép được 16 năm nên ngư dân khó trả kịp tiền vay. Bên cạnh đó, tàu vỏ gỗ trả lãi cao hơn tàu vỏ thép, số tiền vay ít hơn. Sau khi chờ ngân hàng 4 tháng, ông Thức và một số ngư dân đã xin rút.

Một số ngư dân chờ lâu quá đã "tự rút âm thầm", khiến cho cán bộ xã thêm khổ. Ông Lê Huy Phúc, phụ trách thủy sản xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi thốt lên: "Đưa ngư dân vô danh sách theo Nghị định 67 đã mệt rồi, tới khi họ tự rút, mình lại khổ thêm. Ngư dân Nguyễn Văn Em chờ lâu quá đã tự bỏ tiền đóng tàu đi làm ăn mất rồi. Ngư dân Ngô Vy Linh cũng đóng tàu luôn". Còn ở xã Nghĩa Phú bên kia sông, ngư dân Lê Sang, Phạm Tám tự rút. Ông Bửu, cán bộ phụ trách thủy sản xã than vãn "phải tới nhà năn nỉ mãi, họ mới ký vào đơn xin rút theo quy định của tỉnh".

Ngư dân Phan Thu, Trần Công Chi ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, mình được tiếp cận vốn nhanh nhất. Tàu được đóng vào ngày 31-3-2015, hạ thủy ngày 3-9, thêm 2 tháng để hoàn chỉnh nội thất. Tổng cộng từ lúc nộp hồ sơ cho đến khi có tàu đi biển, nhanh nhất cũng phải mất 15 tháng.

Lê Văn Chương

Bài 3: Gỡ “nút thắt” để vươn khơi

Bình luận

ZALO